- Từ thuở "Hương Đầu Mùa" thời thiếu nữ tới "Nếu yêu thì phải nói" năm 2010 và đến hôm nay là "Im lặng mà buông tay", chị cho thấy ba cung bậc cảm xúc trong hành trình đi tìm tình yêu đích thực. Sao chị lại chọn tên "Im lặng mà buông tay" cho tập thơ của mình?
- Đó là sự "ngộ", sự thấu hiểu để chấp nhận sự hội ngộ và chia ly như một quy luật tất yếu của cuộc sống - một cách tỉnh táo, văn minh.
Những xúc cảm trong trẻo thuở Hương Đầu Mùa là những kỷ niệm vô giá của tuổi 16, nơi mà xúc cảm thiếu nữ chỉ là những vụng dại và lãng mạn thơ ngây.
Nếu yêu thì phải nói là sự khẳng định mãnh liệt về niềm tin với tình yêu, nhất là tình yêu tuyệt đối - cũng chính là lý do khiến tôi khó có thể tìm thấy người đàn ông của mình.
Im lặng mà buông tay là một sự thấu hiểu cao hơn thế. Chấp nhận và từ bỏ không có nghĩa là đầu hàng. Diễn biến của tình yêu, tình cảm luôn dẫn đến những con đường mà không ai biết trước, vì thế họ luôn phải chấp nhận một điều: "Không có tình yêu vĩnh cửu. Chỉ có khoảnh khắc tình yêu là vĩnh cửu".
Tôi từng nói: "Tất cả những người đàn ông rồi sẽ đi qua, chỉ có thi ca còn ở lại". Điều thú vị nhất tôi giữ được cho mình, đó là sự nhiệt thành, tận tâm trong tình yêu, không vì những ám ảnh cay đắng của quá khứ mà hằn học hay đề phòng với hiện tại. Buông tay rồi tôi vẫn luôn thấy đàn ông đáng yêu.
- Trong tập thơ của chị, tôi ấn tượng về bài thơ "Viết riêng cho Xuân Quỳnh" nhất là câu kết: "Để khóc những điều chẳng biết ngỏ cùng ai!". Dụng ý của chị khi viết những điều này?
- Mối tình của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là một điều kỳ diệu của tình yêu khi họ đã vượt qua được sự khác biệt của tuổi tác và tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn để đến với nhau. Kết thúc bi thảm nhưng đó là sự bất tử, tình yêu của họ không có sự chấm dứt. Cuộc sống của Xuân Quỳnh không chỉ là cảm hứng mà còn là giấc mơ cho nhiều người. Tôi không coi Xuân Quỳnh là một người đàn bà đẹp, đa đoan mà là một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm với sức chịu đựng bền bỉ. Dù buồn, trong thơ Xuân Quỳnh không toát lên màu sắc bi luỵ, nói cách khác Xuân Quỳnh có sức sống nội lực âm thầm rất kiên định. Khi người ta buồn thì độ rung cảm trong tâm hồn rất mạnh. Lúc đó thính giác tốt hơn, khứu giác nhạy hơn, mắt tinh hơn, như một miếng mút ngấm tất cả những màu sắc, những thứ mỏng manh nhẹ nhàng của cuộc sống, có thể chạm đến đáy tâm hồn vì thế nỗi buồn có tiếng vang nhiều hơn là niềm vui.
Câu kết tôi viết "Để khóc những điều chẳng biết ngỏ cùng ai" là xúc cảm đan xen sự tỉnh táo. Tôi thấy sự đồng điệu về mặt tâm hồn, về xúc cảm vượt qua không gian thời gian, sự khác biệt về thế hệ, mối quan hệ. Những khi đêm buông, phụ nữ thường có cảm giác giống nhau và thi ca giúp san bằng khoảng cách tưởng không thể vượt qua được khi ban ngày phải đối mặt với cuộc sống đời thường.
- Tập thơ của chị có 32 bài nhưng có tới 3 bài mời rượu bên cạnh đó có nhiều từ "say". Điều này ảnh hưởng thế nào từ trải nghiệm thực tế của chị?
- Trong nhà tôi có khoảng 700 lít rượu, đủ để đổ vào một bể bơi nhỏ. Việc này xuất phát từ bản tính tò mò. Tôi ngâm rượu với đủ mọi thứ kể cả những thứ chưa ai ngâm bao giờ. Do công việc hay giao tiếp với các "mày râu" nên tôi muốn giao du với đàn ông theo cách của họ.
Nhưng thơ say của đàn ông thì lại là một việc khác. Tôi thích câu thơ của Nguyễn Bính: "Chị ơi Tết đến em mua rượu, em uống cho say đến não lòng. Uống say cười vỡ ba gian gác. Ném cái chung tình xuống đáy sông..." hoặc như Hàn Mặc Tử say trăng... Nhưng những điều này tôi thấy nghiệt ngã và rượu không được sử dụng như là để cứu giúp mà là liều thuốc độc của sự tuyệt vọng.
Với tôi, rượu không phải để tìm lối thoát hoang tưởng. Tôi dùng rượu như người bạn để giảm bớt đi cảm xúc về sự nhọc nhằn hay đau đớn của cuộc sống. Say để mà tỉnh lại, để có thể sống tiếp cho tốt, một cách lạc quan. Và tôi chưa thấy người đàn ông nào say theo kiểu của tôi.
- "Để em yêu anh như mối tình đầu" ở cuối tập thơ với cấu kết rất khác: "Em cũng biết và cả anh cũng biết. Rằng bây giờ mình sẽ yêu nhau đến hết cuộc đời". Tại sao chị lại rải một tia nắng nhỏ sau chặng hành trình dài bao phủ bởi bóng mây của nỗi buồn?
- Đây là bài thơ tôi khá hài lòng và tôi nghĩ mọi người sẽ thích. Bài thơ không mang màu sắc tiêu cực. Tôi xem nó như là một món quà cho bản thân và độc giả khi đã bị "đẩy" xuống đáy rồi thì vẫn còn có thể thấy ánh sáng bừng lên.
Một cách không hề tiêu cực, tôi đánh giá khá cao thứ tình yêu rổ rá cạp lại, hoặc thứ tình yêu buộc người ta phải dứt bỏ, trả giá hoặc hy sinh. Nó giống cảm giác của người nhảy dù lần thứ hai vậy, lần đầu tiên - khi lao mình vào khoảng không - tuyệt đại đa số người chơi môn thể thao này không biết cảm giác rợn tóc gáy khi khoảng không phía dưới như nuốt chửng lấy mình, chân tay cứng đơ và máu như đông lại trong huyết quản. Nhưng lần thứ hai thì rất khác, không phải ai cũng can đảm buông mình.
Điều đó cũng y hệt trong tình yêu, khác biệt về mặt quan niệm giữa các thế hệ thể hiện rất rõ ở chỗ thế hệ cũ nếu "rổ rá cạp lại" cũng phiên phiến cho xong, còn con cháu, những kẻ ngày đêm vật lộn trong đời sống đô thị cuồn cuộn và nhiều thử thách - nếu từng thất bại trong tình yêu - sẽ rất khó để dám gật đầu. Một khi vượt qua được điểm đáy của sự suy sụp và nỗi buồn, thì dám mở cửa lòng cũng là một sự dấn thân chấp nhận, như một sự đầu tư khả năng rủi ro cao mà vẫn sẵn sàng trả giá. Tình yêu khi ấy sẽ sâu đậm và mặn mà hơn bao giờ hết.
Vũ Quỳnh Hương sinh năm 1979 tại Hà Nội. Chị từng đoạt danh hiệu Á khôi Vẻ đẹp học đường Học sinh Sinh viên toàn quốc năm 2000. Sách đã xuất bản: Con bò treo cửa (truyện thiếu nhi), Trái tim của Sói (tiểu thuyết), Nếu yêu thì phải nói (thơ). Toàn bộ lợi nhuận của việc bán sách Im lặng mà buông tay trong ngày ra mắt 6/3 sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện, góp phần xây trường cho trẻ nhỏ núi rừng cách mạng Than Uyên, Lai Châu. |
Bài và ảnh: Lê Bích