Các nhà khoa học tìm thấy một hố thiên thạch có thể là vết tích của vụ va chạm tiểu hành tinh mạnh nhất mà người hiện đại (Homo sapiens) từng gặp tại Y Lan, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, SCMP hôm 9/8 đưa tin. Một số kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science tháng trước.
Giới chuyên gia đã phát hiện nhiều hố thiên thạch trên thế giới, phần lớn tồn tại từ rất lâu trước khi người Homo sapiens xuất hiện vào 300.000 năm trước. Tuy nhiên, chiếc hố ở Y Lan được cho là hình thành cách đây khoảng 49.000 năm, do một tiểu hành tinh rộng khoảng 100 m gây ra.
Dù nhỏ hơn đáng kể so với tiểu hành tinh rộng 10 km từng xóa sổ khủng long, các nhà khoa học tin rằng nó di chuyển với vận tốc cao hơn nhiều và lao xuống theo phương thẳng đứng, tạo nên một dạng hố va chạm khác với những hố được tìm thấy trước đây.
Theo tính toán của họ, vụ nổ mà tiểu hành tinh này gây ra mạnh gấp 500 - 2.000 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, thậm chí có thể so sánh với một số vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng phát nổ. Sức nóng và sóng xung kích chết chóc phát ra đủ mạnh để làm chảy đá hoa cương, biến nó thành thủy tinh, và có thể phá hủy vùng đất trong bán kính hàng chục km.
Vụ va chạm tạo nên chiếc hố sâu đến 579 m, gần gấp rưỡi chiều cao tòa nhà Empire State và tương đương tháp Đài Bắc 101 - tòa nhà cao nhất thế giới trước năm 2010. "Chiếc hố rất trẻ và các mẫu khoan rất mới, gần giống như sự kiện chỉ vừa xảy ra hôm qua", Chen Ming, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư tại Viện Địa hóa Quảng Châu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết. Ông cũng nhận định, vụ nổ là "thảm họa tuyệt đối" với cư dân trong vùng vào thời Đồ Đá.
Hố thiên thạch nằm cạnh một đồng bằng màu mỡ do sông Tùng Hoa tạo ra. Khí hậu địa phương khi đó ấm hơn hiện nay, tạo điều kiện sống thuận lợi cho con người và các động vật lớn như voi. Chiếc hố rộng khoảng 1,85 km, nhỏ hơn nhiều so với những hố do tiểu hành tinh tương tự gây ra. Đây là điều khiến nhóm nghiên cứu bối rối.
Tiểu hành tinh đâm xuống thường để lại hố hình chiếc bát, có đường kính lớn hơn nhiều so với độ sâu. Ví dụ, hố Chicxulub ở Mexico, được cho là do tiểu hành tinh xóa sổ khủng long gây ra, rộng 150 km và sâu 20 km.
"Với kích thước tương đối nhỏ, hố thiên thạch Y Lan là chiếc hố sâu nhất mà chúng tôi từng thấy", Chen nói. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng không thể tồn tại hố va chạm nhỏ và sâu như vậy. Trong số những mô hình mà các nhà nghiên cứu sử dụng để mô phỏng vụ nổ tiểu hành tinh, cũng không mô hình nào dự đoán được chiếc hố dạng này.
Hình ảnh vệ tinh giúp xác định hố thiên thạch Y Lan từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, Chen cùng các đồng nghiệp chỉ mới có điều kiện tìm hiểu nguyên nhân tạo ra chiếc hố vào năm 2019. Qua quá trình phân tích các mẫu khoan trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tìm thấy những mảnh đá và mảnh thủy tinh hình giọt nước không thể hình thành do hoạt động kiến tạo hay núi lửa. Điều này thuyết phục họ rằng chiếc hố là kết quả của một vụ va chạm tiểu hành tinh. Ngoài ra, họ cũng phát hiện những mẩu than củi giúp xác định niên đại chính xác của sự kiện.
Theo Chen, lời giải thích hợp lý nhất về sự hình thành của hố thiên thạch Y Lan là một tiểu hành tinh đã lao tới Trái Đất với tốc độ cao hơn bất cứ mô phỏng nào mà nhóm chuyên gia đã xem xét. Sau đó, nó đâm xuống theo phương thẳng đứng thay vì đâm chéo.
Thu Thảo (Theo SCMP)