Năm Cam trong trại tạm giam. |
Một cán bộ trong Ban chỉ đạo liên ngành vụ án Năm Cam, do Bộ Chính trị thành lập, khẳng định việc thả Năm Cam trước thời hạn là sai. Trước đây, ông Phạm Sĩ Chiến lập luận rằng, việc thả “ông trùm” trước thời hạn là trách nhiệm của Bộ Công an, còn văn bản của VKSND Tối cao không ảnh hưởng gì cả. Một số cán bộ của Bộ Công an lại lý giải, sở dĩ họ buộc phải thả vì tác động và sức ép rất lớn từ ông Chiến. Điều này thể hiện qua trình tự thời gian các sự kiện:
- Ngày 18/9/1996, ông Phạm Sĩ Chiến thay mặt Viện trưởng VKSND Tối cao ký Công văn 1333 kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam;
- Tiếp đó, ông Chiến gửi tiếp 2 công văn nữa đề nghị Bộ Công an cho biết ý kiến;
- Ngày 26/12/1996, Thứ trưởng Bộ Công an Võ Thái Hòa phúc đáp bằng văn bản 1117, khẳng định bắt cải tạo Năm Cam để tiếp tục điều tra là đúng pháp luật, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao phối hợp nghiên cứu, củng cố hồ sơ;
- Ngày 26/3/1997, Cục Quản lý trại giam Bộ Công an (V26, thiếu tướng Đỗ Năm là Cục trưởng) có công văn đề nghị tha Năm Cam trước thời hạn. Thứ trưởng Lê Thế Tiệm yêu cầu Cục Cảnh sát điều tra xem xét lại đề nghị của V26 là tại sao tha, và phải xin ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó trước khi thả Năm Cam;
- Ngày 29/7/1997, Thứ trưởng Công an Hoàng Ngọc Nhất ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị thả Năm Cam. Chỉ sau đó ít ngày, ông Nhất ký tiếp Quyết định 756 cho thả “ông trùm” trước thời hạn.
Đến thời điểm này, VKSND Tối cao đã khẳng định việc thả Năm Cam trước thời hạn là hoàn toàn sai. Công văn ngày 30/6 của Ban cán sự Đảng, VKSND Tối cao chỉ ra 4 vấn đề: 1. Việc tập trung cải tạo Năm Cam năm 1995 là đúng đối tượng, đúng pháp luật; 2. Việc kháng nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam của ông Chiến là không đúng; 3. Việc ra Công văn 1333 của ông Chiến là chủ quan, phiến diện, chưa đầy đủ trách nhiệm, chưa nhạy bén chính trị; 4. Việc xử lý với Năm Cam rất phức tạp, nhưng đã không được đưa ra trao đổi, bàn bạc trong tập thể VKSND Tối cao là sai.
Về phía công an, nếu chưa có ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó, mà Thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhất ký quyết định thả Năm Cam là sai.
Việc kiểm điểm của các ông Phạm Sĩ Chiến, Hoàng Ngọc Nhất, Đỗ Năm theo yêu cầu của Bộ Chính trị sẽ kết thúc vào tuần tới. Kết quả sẽ được trình lên Ban bí thư xem xét, quyết định.
Quá trình điều tra vụ án Năm Cam và đồng bọn đến nay đã làm sáng tỏ dần về đường dây chạy án liên quan đến nhiều đối tượng.
Thuyết "buôn vua" trước khi bị bắt. Ở trong trại tạm giam, y thường chảy nước mắt mỗi khi có người nhắc đến cô vợ trẻ Linh Nga. |
Trần Văn Thuyết (Thuyết “buôn vua”) khai năm 1995, y nhận tổng cộng 66.000 USD của Hiệp “phò mã” (con rể Năm Cam). Số tiền này Thuyết chi tiêu cho riêng mình 17.000 USD, còn phần lớn để “chạy án” cho Năm Cam vào các năm 1996-1997. Thuyết xin với Ban chuyên án cho y được hoàn lại 17.000 USD. Lời khai của Thuyết hơi khác với lời khai của Hiệp “phò mã”. Theo đó, khi Năm Cam bị bắt cải tạo lần đầu, Phan Thị Trúc (vợ y) đã bán một nhà hàng ở TP HCM, lấy hơn 1 tỷ đồng ra Hà Nội chạy tội cho chồng. Hiệp nói đã đưa Thuyết 70.000 USD.
Nguyễn Thập Nhất (nguyên trưởng phòng giam giữ cải tạo VKSND TP Hà Nội) khai, năm 1995, Thắng “tài dậu” đã đưa vợ con Năm Cam gặp Thuyết và một số nhân vật khác. Lần đó, Thuyết nhận 15 triệu đồng. Còn việc “ông trùm” bị bắt hồi cuối năm 2001, Long “đầu đinh” có đưa cho Nhất 2.000 USD để nhờ vả. Mới đây, vợ Nhất đã đem 15 triệu đồng và 2.000 USD vào nộp cho Công an tỉnh Tiền Giang (nơi Nhất bị tạm giam).
Về phía Năm Cam, khi mới bị bắt y từ chối khai báo, kể cả khi biết vợ là Phan Thị Trúc đã bị bắt theo. Phải sau khi Hải “bánh” và Hiệp “phò mã” bị bắt và cung khai, Năm Cam mới bắt đầu “mở miệng”.
Trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam và đồng bọn, Ban chuyên án đã nhận được hơn 4.000 đơn thư và trên 3.000 cú điện thoại tố cáo, tố giác. Đến nay theo yêu cầu của Ban chuyên án, công an Hà Nội, TP HCM và 12 địa phương khác đã khởi tố gần 200 đối tượng, cho tại ngoại 50, đã bắt giữ 114 người.
Giai đoạn 1 của vụ án dự kiến sẽ hoàn tất điều tra cuối tháng 8 này. Cơ quan công an sẽ đề nghị truy tố 114 bị can với 14 nhóm tội phạm và hơn 20 tội danh. Kết hợp với vụ án này, công an đã điều tra và phục hồi điều tra 6 vụ: vụ buôn bán ma túy của Nguyễn Văn Dũng, vụ sát hại cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn, vụ Lũng “đầu bò” chém người, vụ Châu Phát Lai Em giết anh Hồng Chí Nam, vụ Châu Phát Lai Út chém người, vụ giết người trước vũ trường Metropolis.
Dự kiến vụ án Năm Cam và đồng bọn sẽ được TAND TP HCM đưa ra xét xử vào cuối năm 2002, và VKSND thành phố sẽ giữ quyền công tố tại tòa.
(Theo Tiền Phong, Thanh Niên)