Trong trận ra quân gặp Indonesia ngày 22/11, Công Vinh có pha chuyền bóng nhạy cảm đặt Minh Tuấn ở vị trí thuận lợi để ghi bàn. Tuy nhiên, tiền vệ người Quảng Ninh dứt điểm hỏng. Sau trận, anh chia sẻ với đồng đội rằng mình bị tâm lý.
Để Minh Tuấn tự tin hơn khi thi đấu, hôm qu 25/11, bà xã của anh dù đang mang bầu vẫn lặn lội bắt xe khách, đi gần 200km từ Cẩm Phả lên Hà Nội cổ vũ. Sự có mặt của vợ trên sân giúp số 21 của tuyển Việt Nam thi đấu khởi sắc. Thậm chí, anh chính là chủ nhân bàn thắng mở tỷ số ở phút 27, góp công lớn vào chiến thắng 3-0 của đội nhà - qua đó rộng cửa vào bán kết .
"Vợ tôi đang mang thai tháng thứ tư, để đi như vậy quả thực tôi cũng rất lo. Tuy nhiên, cô ấy nhất quyết muốn lên Hà Nội để động viên nên tôi phải đồng ý", Vũ Minh Tuấn chia sẻ với VnExpress sau trận đấu với Lào.
Giữa tháng 9, khi vừa đặt chân tới Hàn Quốc để chuẩn bị thi đấu tại ASIAD 17, Minh Tuấn được bà xã Nguyễn Nhung thông báo mang thai lần hai. Tin vui này giúp cầu thủ người Quảng Ninh thi đấu hưng phấn, cùng Olympic Việt Nam liên tiếp giành hai chiến thắng trước Olympic Iran và Olympic Kyrgyzstan để lần đầu tiên vào vòng knock-out một kỳ Á vận hội với tư cách đầu bảng. Minh Tuấn cũng chính là người ghi bàn duy nhất trong trận thắng Olympic Kyrgyzstan.
"Công chúa nhỏ chưa chào đời đã mang lại cho tôi nhiều may mắn. Trước đó, khi có cậu con trai đầu lòng, sự nghiệp của tôi cũng lên rất nhanh. Có lẽ tôi luôn được hưởng may mắn nhờ con", Minh Tuấn hóm hỉnh chia sẻ.
Minh Tuấn lập gia đình năm 2012, khi mới 22 tuổi. Ngay trong năm đó, bà xã đã hạ sinh cho anh một cậu con trai đầu lòng mang tên Tuấn Anh. Từ khi có quý tử tuổi rồng, sự nghiệp Minh Tuấn liên tục có những bước đột phá. Năm 2013, tiền vệ này đá rất son, bóng cứ như tự tìm đến chân, giúp anh ghi được gần chục bàn thắng góp công đưa Quảng Ninh lần đầu giành quyền lên chơi V-League. Tiếp sau đó anh liên tiếp được gọi vào U21, U22, U23, Olympic và đội tuyển quốc gia.
Để có thể trở thành một cầu thủ nổi tiếng như hiện tại, Minh Tuấn đã phải trải qua không ít gian khó. Anh thừa hưởng tài chơi bóng từ bố (ông Vũ Văn Minh, cầu thủ của đội Quảng Ninh) và khi mới 13 tuổi đã được CLB Quảng Ninh tới tận nhà xin cho tập ở lớp năng khiếu. Luôn là cầu thủ xuất sắc trong lớp nhưng khi lên U15, Minh Tuấn bất ngờ bị loại.
"Điểm mạnh của tôi là kỹ thuật và thể lực dẻo dai nhưng thể hình lại thấp bé. Đen cho tôi là khi đó đội U15 được dẫn dắt bởi một HLV chỉ thích những cầu thủ cao to. Vậy là tôi bị loại không thương tiếc", Minh Tuấn nhớ lại.
Sốc khi bị cho về nhưng Minh Tuấn không bỏ cuộc. Cứ sau các buổi học văn hóa, anh lại vác giầy ra sân đá "phủi". May mắn đã đến với cầu thủ sinh năm 1990 khi hai năm sau được gọi trở lại đội U17 do có sự thay đổi HLV.
Khi được hỏi nếu không bóng đá sẽ làm gì, Minh Tuấn gãi đầu, cười ngượng ngùng. "Trong đời tôi chưa từng mơ ước làm gì ngoài cầu thủ chuyên nghiệp. Mà nếu không có bóng đá, có khi giờ tôi đã là con nghiện. Ngày trước Cẩm Phả là điểm nóng về ma túy, rất nhiều người bạn cùng trang lứa của tôi đã mắc phải nghiện ngập. Bóng đá mang đến cho tôi quá nhiều thứ, và tôi luôn tự nhủ dốc tâm dốc sức vì nghề, vì người hâm mộ", Minh Tuấn nói thêm.
Lâm Thỏa