Vào những năm 1950, Coors là một trong những thương hiệu rất quen thuộc ở Mỹ, là tập đoàn bia lớn thứ 5 toàn thế giới, có 10 nhà máy với hơn 11.000 công nhân viên. Năm 1960, Adolph Herman Joseph Coors III giữ vị trí chủ tịch tập đoàn. Anh ta thế hệ thứ 3 nhà Coors - cháu trai của người sáng lập.
Sáng 9/2/1960, như thường lệ, Adolph Herman rời nhà từ lúc 8h đến nhà máy bia Golden nằm trong thành phố. Quãng đường đi làm dài khoảng 20km. Tuy nhiên, sáng hôm đó, Adolph Herman không xuất hiện tại nơi làm việc.
Một người đi đường đã phát hiện chiếc xe của Coors bị bỏ lại trên cầu Turkey Creek - chiếc cầu nhỏ một làn đường bắc qua một con suối tại khu vực ít người trên đường làm. Khi được phát hiện, xe vẫn đang nổ máy, đài mở. Xem xét hiện trường, cảnh sát tìm thấy một vệt máu lớn dưới đất. Dưới chân cầu, họ tìm thấy mắt kính và mũ của vị chủ tịch.
Sáng hôm sau, vợ Adolph Herman nhận được một bức thư đánh máy thông báo rằng chồng bà đã bị bắt cóc. Theo đó, nếu muốn ông sống sót trở về, nhà Coors phải tuyệt đối giữ im lặng với cảnh sát, làm theo hướng dẫn và đưa 500.000 USD. Trong bức thư đề cập rõ, kẻ bắt cóc hoàn toàn không có ý định giết ông Adolph Herman, tất cả những gì hắn muốn là tiền bồi thường và sẽ trả lại an toàn cho ông 48 tiếng sau khi nhận đủ.
Gia đình Coors nhanh chóng chuẩn bị đủ số tiền. Tuy nhiên, kẻ bắt cóc đã không bao giờ gọi điện lại một lần nữa.
Không còn cách nào khác, gia đình Coors đã nhờ FBI vào cuộc. Các nhà điều tra phân tích kĩ bức thư nặc danh được gửi đến và không tìm thấy dấu vân tay. Phân tích kiểu chữ trong bức thư, cảnh sát nhận định bức thư được đánh bằng máy đánh chữ hiệu Royalite Portable. Cảnh sát xác định được hai cửa hàng tại thành phố Denver có bán loại máy này. Tuy nhiên khi hỏi chủ cửa hàng, số lượng khách hàng khá đông nên họ không cung cấp được bất cứ thông tin nào hữu ích.
Trong suốt thời gian đó, cảnh sát nhận được một nguồn tin quan trọng từ một nhân chứng. Người này nhìn thấy chiếc ôtô Mercury Sedan đời 50s đậu tại gần vị trí xảy ra vụ bắt cóc. Anh ta thậm chí còn nhớ một phần biển số xe vì cảm thấy chiếc xe có phần đáng nghi. Đó là 4 kí tự đầu tiên của biển xe: AT62.
Dựa theo thông tin này, cảnh sát đã tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu và phát hiện bốn chiếc xe Mercury mang biển AT62. Họ đã kiểm tra cả bốn người và phát hiện một trường hợp đặc biệt. Người này tên là Walter Osborn mới mua chiếc Mercury cách đó một tháng, đã rời khỏi nhà ngay sau ngày xảy ra vụ bắt cóc.
Trong thùng rác phía sau khu chung cư nơi anh ta sinh sống, cảnh sát tìm thấy hai vỏ hộp mới của một chiếc còng tay và còng chân. Đối chiếu mẫu dấu vân tay thu thập được với cơ sở dữ liệu, cảnh sát thấy kết quả trùng khớp. Dấu vân tay thuộc về Joseph Corbett, 31 tuổi.
Năm 1951, hắn đã bắn chết một người. Trong quá trình đi tù, do chấp hành tốt nội quy nhà tù nên hắn được chuyển từ nhà tù an ninh cao về khu nhà tù an ninh thấp và trốn thoát thành công.
Người chủ khu chung cư đã xác nhận Joseph Corbett chính là Walter Osborn - người thuê căn hộ đó, dựa vào ảnh lưu trong hồ sơ của cảnh sát. Cảnh sát xác định, với việc sử dụng tên giả, Joseph đã làm công nhân trộn sơn trong nhà máy sơn Benjamin Moore tại địa phương trong khoảng thời gian khá dài. Công ty này cũng xác nhận, Joseph chính thức nghỉ việc sau ngày xảy ra vụ mất tích của ông Adolph Herman.
Thông tin được đối chiếu với chủ cửa hàng bán máy đánh chữ hiệu Royalite Portable. May mắn thay một nhân viên đã nhớ mặt Joseph, vì là một trong số ít khách hàng thanh toán máy đánh chữ này bằng tiền mặt. Theo đó, Joseph đã mua chiếc máy đánh chữ này 4 tháng trước khi xảy ra vụ bắt cóc.
Dù nắm được rất nhiều thông tin, cảnh sát vẫn không thể lần ra dấu vết của Adolph Herman cũng như Joseph Corbett.
8 ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, cách Colorado 1.700 dặm, cảnh sát bang New Jersey tìm thấy một chiếc xe Mercury bị đốt cháy tại một khu đất trống trong khu vực. Toàn bộ chiếc xe đã bị thiêu rụi bằng xăng. Biển số xe bị lấy mất. Tuy nhiên, số seri tìm thấy trong động cơ cho thấy đây chính là xe mà Joseph đã mua dưới cái tên giả Walter Osborn.
Dưới gầm xe, cảnh sát thu thập được 4 mẫu đất. Lớp đất mới nhất chứa nhiều cát, là đất điển hình của bờ biển New Jersey. Lớp đất phía dưới rất hỗn tạp, cho thấy chiếc xe đã đi xuyên nước Mỹ. Và mẫu đất nằm ở dưới cùng khá đặc biệt. Các nhà phân tích tìm thấy mẫu đá phiến sét – giống với mẫu đất tại khu vực xảy ra vụ bắt cóc.
Cảnh sát phân tích kĩ lớp đất nằm ngay trên mẫu đá phiến sét, với hy vọng sẽ tìm ra vị trí của Adolph Herman sau khi bị bắt cóc. Mẫu đất này khá đặc biệt, cảnh sát tìm thấy vết của đá granite và đá bồ tát hồng. Cảnh sát đã thu thập 612 mẫu đất ở các khu vực lân cận vùng Denver để đối chiếu, và cuối cùng cho rằng đó có thể là mẫu đất tại khu vực đỉnh núi Pike, thuộc dãy Rocky, nằm cách Colorado khoảng 10 dặm.
Cảnh sát cho người tìm kiếm quanh toàn bộ khu vực và 8 tháng sau tìm ra thi thể nạn nhân, lúc này đã bị phân hủy hết chỉ còn lại khung xương. Bên cạnh là quần áo Adolph Herman đã mặc vào ngày xảy ra mất tích. Đối chiếu hồ sơ khám răng, cảnh sát kết luận thi thể tìm thấy chính là chủ tịch Adolph Herman.
Vụ án mất tích trở thành vụ giết người và Joseph Corbett trở thành tên tội phạm bị truy nã hàng đầu ở Mỹ tại thời điểm đó. Sau rất nhiều những nỗ lực truyền thông từ FBI, một phụ nữ sống tại thành phố Vancover (Canada) đã biết được thông tin về kẻ đang bị truy nã và nhận ra hắn đang sống trong khu nhà của mình. FBI đã đột nhập vào khu nhà và khống chế được Joseph Corbett.
Theo các công tố viên, quá trình điều tra xác định ban đầu Joseph Corbett chỉ định bắt cóc Adolph Herman, nhưng trong quá trình xô xát kẻ bắt cóc đã bắn chết nạn nhân. Bức thư đã được hắn chuẩn bị và gửi đi từ đêm hôm trước của ngày xảy ra án mạng.
Với những bằng chứng thu được, trong đó quan trọng nhất là mẫu đất tìm thấy trong xe và chiếc máy đánh chữ hiệu Royalite, Joseph Corbett bị kết tội giết người cấp độ 1. Tuy nhiên, theo luật bang Colorado tại thời điểm đó, nếu không có nhân chứng tận mắt chứng kiến hoặc không có lời thú tội từ thủ phạm, tòa không thể tuyên án tử hình. Vì vậy, Joseph Corbett chỉ phải nhận án tù chung thân và không được phép ân xá.