Chỉ một ngày sau khi Quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu “Đừng cường điệu hóa bạo lực ở V-League”, tiền vệ Nguyễn Anh Hùng (An Giang) bị hậu vệ Trần Đình Đồng (SLNA) đạp gãy chân. Đây là pha gãy chân thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần lễ ở V-League. Trước đó, ngoại binh Alan Bruno của Than Quảng Ninh gãy xương mác trong trận gặp HAGL.
Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho rằng tính cay cú ăn thua ở các đội bóng và cầu thủ V-League cao xuất phát từ văn hóa bóng đá ở V-League kém, nhất là ở các cầu thủ. Ông Vũ Mạnh Hải nói: “Ở các nước phát triển, các trận đấu của họ rất quyết liệt nhưng rất hiếm gặp tình huống vào bóng theo kiểu triệt hạ nhau vốn xuất hiện nhan nhản ở V-League. Văn hóa bóng đá của cầu thủ V-League quá kém, họ không biết bảo vệ nghề nghiệp của nhau. Khi vào bóng, mục đích của nhiều người là làm đau đối thủ chứ không phải lấy bóng đúng luật. Đây chính là yếu tố thể hiện ý thức chuyên nghiệp của các cầu thủ”.
Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường nói: “Nhiều cầu thủ thiếu chuyên nghiệp nên khi thi đấu không có ý thức giữ gìn cho đồng nghiệp. Họ cần hiểu rằng các đồng nghiệp hay chính bản thân họ có thể sẽ phải giải nghệ bất cứ lúc nào sau những hành động thiếu fair-play. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải có những án phạt nặng với bạo lực sân cỏ”. Ông Nguyễn Hải Hường cũng nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục cầu thủ trong các đội bóng khi nhiều trường hợp đá xấu lại được ban lãnh đạo, HLV bao che thay vì phải kỷ luật.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đánh giá nguyên nhân trực tiếp khiến cầu thủ sẵn sàng đá ẩu là do các trọng tài Việt Nam yếu kém, bỏ sót nhiều lỗi. “Trong trận Đà Nẵng - SLNA, tôi thấy trọng tài Phùng Đình Dũng bắt thiếu kiên quyết vì sợ hai đội phản ứng. Điều này khiến cầu thủ hai đội không sợ trọng tài và sẵn sàng chơi rắn, phạm lỗi để giành chiến thắng. Tương tự ở trận Đồng Nai - Than Quảng Ninh, rất nhiều tình huống cầu thủ đá vào chân nhau nhưng không được xử lý đúng mức”, ông Hải nhận định.
Ông Hải cho rằng trọng tài Việt Nam sai từ cách tiếp cận trận đấu: “Từng thi đấu nhiều năm nên tôi biết cầu thủ không phải ai cũng hiểu luật. Nhiều khi họ chỉ nghe truyền miệng nên nắm luật còn lơ mơ, thậm chí hiểu không đúng. Ở Anh, khi cầu thủ phạm lỗi, các trọng tài thường gọi cầu thủ lại để giải thích nếu cần. Còn ở Việt Nam, trọng tài cứ rút thẻ mà không cần nói tại sao. Cầu thủ hiểu luật mức độ thấp và không được giải thích nên phản ứng thái quá”. Đây là lý do khiến mối quan hệ trên sân giữa cầu thủ và trọng tài ở V-League rất kém.
Trong khi trọng tài bắt theo kiểu dĩ hòa vi quý khiến cầu thủ không sợ thẻ thì giám sát trọng tài lại không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Vũ Mạnh Hải nói tiếp: “Nhiều trận đấu có tình huống quan trọng, mang tính điểm nhấn nhưng giám sát trọng tài lại bỏ qua, không báo cáo về ban tổ chức giải. Nguyên nhân một phần đến từ việc phần lớn giám sát trọng tài đều có đệ tử là các trọng tài nên đôi khi cho điểm đánh giá cao để họ tiếp tục tồn tại, làm việc. Nhiều giám sát trọng tài không đáp ứng được yêu cầu làm việc, nhất là ở yêu cầu trung thực, khách quan”.
Ông Vũ Mạnh Hải cũng cho rằng các án phạt của Ban kỷ luật cần nghiêm khắc hơn nữa. Đồng thời, ông Hải cho rằng Ban kỷ luật phải có những thành viên nắm chắc chuyên môn thay vì chỉ giỏi luật vì phải hiểu chuyên môn mới nắm được bản chất vấn đề để xử lý chính xác.