Năm 1988, doanh nhân David Walsh thành lập Công ty Bre-X Minerals Ltd. dưới tầng hầm nhà mình ở thành phố Calgary, Canada. Bre-X không đạt được thành công trong những năm đầu hoạt động khi tập trung vào các cuộc thám hiểm kim cương. Sau nhiều lần thất bại, Walsh chuyển trọng tâm của công ty sang chuyến thám hiểm tìm vàng ở nước ngoài.
Walsh liên hệ với John Felderhof, nhà địa chất nổi tiếng từng phát hiện mỏ vàng lớn nhất ở Papua New Guinea, họ cùng nhắm vào các khu rừng rậm ở Indonesia. Felderhof được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách thăm dò ở Indonesia của Bre-X và đưa người bạn lâu năm Michael De Guzman, nhà địa chất người Philippines, gia nhập. Theo hướng dẫn của De Guzman và Felderhof, Walsh mua khu đất ở đầu nguồn sông Busang vào tháng 3/1993 ở Kalimantan.
Dù hơn 12 công ty khai thác coi khu đất này là "vô giá trị", De Guzman và Felderhof vẫn tự tin rằng họ sẽ khai thác được vàng. Tuy nhiên, sự lạc quan này đã phai nhạt sau thất bại trong hai lần thử nghiệm đầu tiên.
Tháng 10/1995, De Guzman thông báo tìm được một lượng vàng đáng kể. Với tư cách quản lý dự án, De Guzman ban đầu ước tính địa điểm này chứa hơn 56 tấn kim loại quý. Sau khi tiếp tục khảo sát, con số ước tính của Bre-X tăng lên theo thời gian: năm 1995 là 850 tấn; năm 1996 là 1.700 tấn; đến năm 1997 là 1.900 tấn.
Nguồn vàng ở Busang được công ty tư vấn độc lập của Bre-X, Kilborn Engineering, ước tính đến 2.200 tấn. Felderhof tin rằng mức định giá cuối cùng có thể lên tới 6.200 tấn, nhiều hơn cả cơn sốt vàng ở California.
Khi tin tức về phát hiện này lan rộng, tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers gọi đây là "phát hiện vàng của thế kỷ".
Cổ phiếu của Bre-X ban đầu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Alberta vào năm 1989, sau đó là Sở Giao dịch chứng khoán Toronto và sàn giao dịch chứng khoán Mỹ NASDAQ vào năm 1996. Giá cổ phiếu tăng vọt từ 30 xu lên 280 CAD một cổ phiếu vào năm 1997 và vào thời kỳ đỉnh cao, nó có vốn hóa thị trường hơn 6 tỷ CAD, tương đương 8,4 tỷ USD vào năm 2023.
Khi ước tính lượng vàng tăng vọt, Tổng thống Indonesia khi đó là Suharto can thiệp. Với lý do Bre-X thiếu các nguồn lực cần thiết để xử lý mỏ vàng ngày càng phát triển, ông Suharto yêu cầu Bre-X phải hợp tác với một công ty khai thác vàng lớn hơn. Khi kết thúc đàm phán, Bre-X nắm giữ 45% cổ phần khu đất, chính phủ Indonesia sở hữu 40% và công ty khai thác mỏ Freeport-McMoRan Copper & Gold của Mỹ nắm 15% còn lại.
Sau khi thỏa thuận được công bố vào ngày 17/2/1997, Freeport-McMoRan bắt đầu đánh giá thẩm định Busang. Nhưng họ không kiếm được vàng ở bất kỳ lỗ khoan mới nào. Freeport yêu cầu gặp De Guzman để thảo luận về phát hiện của họ.
Trên đường đến cuộc họp, De Guzman được cho là nhảy khỏi trực thăng tự sát, ngày 19/3/1997. Bốn ngày sau, một thi thể không nguyên vẹn được tìm thấy trong rừng, được thông báo là De Guzman.
Một tuần sau, vào ngày 26/3/1997, phía Freeport công bố các mẫu lõi khoan thẩm định cho thấy "lượng vàng không đáng kể". Cùng với tin tức về cái chết của De Guzman, các nhà đầu tư hoảng hốt bán tháo hơn 9 triệu cổ phiếu Bre-X và ông Suharto hoãn ký kết thỏa thuận khai thác mỏ. Walsh kêu gọi các nhà đầu tư phớt lờ những tin đồn và mở một cuộc điều tra độc lập.
Trước sự thất vọng của Walsh, cuộc điều tra xác định rằng "lượng vàng ước tính của khu khai thác Busang dựa trên dữ liệu giả mạo".
Công ty độc lập bên thứ ba, Strathcona Minerals, được mời tới thực hiện phân tích riêng. Họ công bố kết quả vào ngày 4/5/1997: các mẫu quặng ở Busang đã bị thêm vàng từ nguồn bên ngoài. Strathcona mô tả đây là vụ lừa đảo khai thác mỏ tinh vi và phức tạp nhất họ từng thấy.
Các cuộc thử nghiệm của phòng thí nghiệm cho thấy vàng trong một lỗ khoan đã được cạo ra từ đồ trang sức bằng vàng, nhưng không rõ số vàng này được thêm vào ở giai đoạn nào.
Báo cáo kết luận rằng rất có thể một thành viên của Bre-X đã rắc vàng lên các mẫu trước khi chuyển đến phòng thí nghiệm. Các cuộc phỏng vấn tại chỗ với công nhân tiết lộ các quy trình vận hành đáng ngờ như phòng thí nghiệm ở rất xa điểm khai thác, cho De Guzman tiếp xúc riêng với các mẫu, có người nhìn thấy ông ta trộn mẫu với các loại bột màu đỏ, trắng và vàng.
Trong một báo cáo cũ được tìm thấy trong hồ sơ Bre-X, một nhà khoáng vật học là chuyên gia tư vấn của công ty đã báo cáo nghi vấn về nguồn gốc bất hợp lý của một số hạt vàng trong mẫu ở Busang.
Vụ lừa đảo từng suýt bị phát giác khi kiểm toán viên ngờ vực những hạt vàng có cạnh phẳng như được đãi, nhưng De Guzman dùng lý thuyết "bể núi lửa" để lấp liếm, nói rằng áp suất núi lửa gây ra sự phân bố không đồng đều.
Bre-X lỗ 583 triệu USD khi cổ phiếu sụt giảm 80%, làm sập hệ thống giao dịch máy tính của Sở giao dịch chứng khoán Toronto. Giao dịch Bre-X nhanh chóng bị đình chỉ trên sàn chứng khoán.
Tháng 11/1997, Bre-X nộp đơn xin bảo hộ phá sản, một số công ty con vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2003. Sự sụp đổ của Bre-X là một trong những vụ bê bối chứng khoán lớn nhất trong lịch sử Canada và vụ bê bối khai thác mỏ lớn nhất mọi thời.
Bre-X phải đối mặt với nhiều vụ kiện và khiến các nhà đầu tư tức giận vì thua lỗ hàng tỷ USD. Ba tổ chức công của Canada nằm trong số những tổ chức chịu thiệt hại lớn nhất, mất từ 45 đến 100 triệu USD. Lĩnh vực tài chính của Canada cũng bị ảnh hưởng lớn từ vụ lừa đảo, dẫn đến việc người đứng đầu Sở giao dịch chứng khoán Toronto lúc bấy giờ bị "hất cẳng" vào năm 1999 và bắt đầu cuộc tái tổ chức đầy hỗn loạn của các sàn giao dịch chứng khoán Canada.
Walsh chuyển đến Bahamas vào năm 1998 và vẫn khẳng định vô tội. Ông nói về giấc mộng tan vỡ: "Bốn năm rưỡi làm việc chăm chỉ nhưng hũ vàng nơi cuối cầu vồng trong kỳ vọng thực chất chỉ là một xô rác".
Ngày 4/6/1998, một tháng sau khi chuyển đến Bahamas, Walsh qua đời vì chứng phình động mạch não trong ngôi biệt thự sang trọng. Chỉ ba tuần trước, ông ta trình báo cảnh sát địa phương, cho biết bị hai tay súng đeo mặt nạ đột nhập, trói và dọa bắn trừ khi giao nộp hết tiền.
Năm 1999, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) thông báo kết thúc cuộc điều tra mà không đưa ra cáo buộc hình sự với bất kỳ ai. Cơ quan này bị cáo buộc không được cấp vốn và thiếu nhân lực để xử lý các vụ lừa đảo hình sự phức tạp, đồng thời luật pháp Canada trong lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, các vụ kiện dân sự chống lại ban giám đốc Bre-X, các công ty tư vấn tài chính vẫn tiếp tục.
Tháng 5/1999, Ủy ban Chứng khoán Ontario (OSC) buộc tội Felderhof giao dịch nội gián. Không có thành viên nào khác trong ban giám đốc Bre-X hoặc những người khác có liên quan đến dự án Busang bị OSC buộc tội. OSC thừa nhận rằng không có bằng chứng nào cho thấy Felderhof có liên quan đến vụ lừa đảo hoặc biết trước về vụ lừa đảo. Cơ sở của cáo buộc này và các vụ kiện tập thể là những "dấu hiệu đáng báo động" rõ ràng, như Strathcona Minerals đã nêu chi tiết, lẽ ra phải được công nhận.
Phiên tòa xét xử John Felderhof bắt đầu vào năm 2001, kết thúc vào 31/7/2007, với phán quyết vô tội. OSC không kháng cáo.
Một vụ kiện tập thể bị đình chỉ theo lệnh của tòa án vào đầu 2014. Khoản tiền thiệt hại 3,5 triệu CAD được quyên góp cho tổ chức từ thiện và Đại học Ottawa vì số tiền được cho là quá ít để có thể phân bổ cho lượng lớn nguyên đơn.
Vụ lừa đảo khai thác vàng Bre-X thúc đẩy Canada điều chỉnh quản lý địa chất chuyên nghiệp. Chính phủ cũng sửa đổi quy định sau vụ lừa đảo Bre-X để bảo vệ các nhà đầu tư, gồm cấm tiết lộ thông tin sai lệch và phải có sự tham gia của người có chuyên môn khi thẩm định dự án.
Bên cạnh đó, một số thuyết âm mưu xuất hiện quanh vụ bê bối Bre-X. Nhiều người, bao gồm bác sĩ khám nghiệm tử thi, tin rằng De Guzman đã giả chết.
Các công nhân ở khu khai thác khai rằng De Guzman mang theo những túi tiền lớn vào ngày biến mất, có thể đã hối lộ để được tự do. Theo nhà báo John McBeth, một thi thể đã mất tích từ nhà xác của thị trấn nơi chiếc trực thăng cất cánh. Không ai nhìn thấy thi thể "Michael De Guzman" ngoại trừ một nhà địa chất người Philippines khác tuyên bố đó là Michael De Guzman.
Một người vợ góa của De Guzman gây tranh cãi khi tuyên bố nhận được khoản tiền 25.000 USD từ Brazil một cách bí ẩn vài năm sau đó. Một cuộc điều tra độc lập khác cho thấy De Guzman bị đẩy khỏi trực thăng và trở thành "kẻ chết thay" cho toàn công ty.
Vụ lừa đảo Bre-X được tái hiện trong nhiều tác phẩm sách như The Bre-X Fraud (1997), Fool's Gold: The Making of a Global Market Fraud (1998), Bre-X: The Inside Story (1998).
Tuệ Anh (Theo Calgary Herald, The Globe & Mail)