Tháng 7 về, những cơn gió heo may phả không khí se se lạnh của ngày mưa Sài Gòn, chút gió thu nhè nhẹ đầu mùa gợi người buồn và nhớ. Sáng nay tôi vô tình xem danh sách nhạc và nghe câu hát: “Một bông hồng cho em. Một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ. Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…”. Vu Lan về, lòng chùng lại bởi giai điệu rất đỗi thân quen, gần gũi chân thành mà rất lớn lao ngỡ như tiếng vọng về từ nơi nao xa xôi.
Khi mẹ sinh tôi ra, vượt qua biết bao nỗi đau để tôi đến với thế giới này trên hình hài nhỏ bé chưa đầy hai cân. Người phụ nữ ngày đó nhà quê, trở dạ một mình mà không có lấy người thân bên cạnh sẻ chia. Đôi lúc tự hỏi mẹ đã phải vĩ đại lắm để vượt qua tiếng đời, cho một sự sống hình thành. Với người bình thường đã khó, riêng mẹ lại chẳng may khiếm khuyết trên thân thể vẫn lặn lội từng ngày chăm tôi lớn vất vả hơn gấp ngàn lần. Cuộc sống vốn khó khăn, ngày nhỏ tôi ốm yếu, xanh xao và gầy gò không tưởng.
Gần 3 tuổi tôi chẳng thể tự đứng lên như bao đứa trẻ khác, vì cơ địa yếu nên đôi chân khó đứng lên nổi. Bác sĩ bảo tôi thuộc dạng suy dinh dưỡng, chắc lúc ấy mẹ đã phải trăn trở rơi nước mắt lặng lẽ vì thương đứa con gái thiệt thòi này. Tôi tin mẹ đã rất nỗ lực giúp tôi tập từng bước chân non yếu để có thể chạy nhảy như hôm nay.
5 tuổi tôi ngơ ngác khi thấy ba mẹ cãi vã, quá nhỏ để hiểu chuyện người lớn phải không mẹ? Trẻ nhỏ như tôi chỉ cần một cây kẹo, gói bim bim đã vui mà quên cả những gì diễn ra xung quanh, vì thế tôi vô tình quên những giọt nước mắt mẹ rơi bởi những trận đòn ba say trút lên mẹ đau đớn. Mẹ vẫn cười để chăm chỉ làm việc quên đi cái đau ê buốt thân xác lắm lúc đè nén tinh thần.
Tôi đến lớp học cùng mẹ trên chiếc xe đạp cũ cót két hàng ngày. Tôi bé quá, nào biết giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng mẹ vội vã để kịp giờ buôn bán thấm đậm tình thương yêu. Mẹ có thể không cho tôi quần áo đẹp như chúng bạn, nhưng chẳng bao giờ để tôi lạnh ngày trời trở gió. Tôi cứ hồn nhiên sống như vậy, chẳng để ý xem mẹ đã đánh đổi bao nhiêu giọt mồ hôi, chắt chiu từng đồng cho tôi chiếc áo ấm, bữa cơm no. Mỗi khi tôi ốm đau mẹ lo lắng rất nhiều, bởi hơn ai hết mẹ biết tôi là đứa nhát và cực kỳ sợ mùi vị thuốc. Khi đó mẹ lại vỗ về, đến cả hù dọa cho tôi uống thuốc mau khỏe lại.
Trẻ con vốn nghịch ngợm nhưng làm sao tránh khỏi phá phách, dĩ nhiên là tôi phải trả giá bằng những trận roi ba đánh. Mẹ làm về thấy thân thể tôi bầm tím, xót xa thoa dầu và nói “Ai bảo con quậy cho ba đánh thế này chứ”. Tôi nghịch, mê chơi với lũ trẻ trong xóm nên bị đòn, nhưng đôi lúc cũng rất ngoan sao vẫn cứ bị đánh? Ba đánh vì rượu chè quá chén, quát tháo vì những lý do chỉ ba mới biết.
16 tuổi tôi thấy thỉnh thoảng bà con xóm giềng cứ xì xầm điều gì đó. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu, chỉ lờ mờ đoán ra hình như mẹ đang giấu một sự thật. Suốt 16 năm qua, tôi lớn lên trong hình hài khỏe mạnh chẳng còi như khi bé, đều do mẹ tảo tần sớm hôm chăm sóc miếng ăn giấc ngủ. Thời gian lấy của mẹ sức khỏe, trả cho mẹ niềm vui thấy tôi đang từng ngày lớn khôn. Mẹ vốn dĩ đã nhân từ, hiền hậu cả với những đứa trẻ bụi đời cơ nhỡ. Có người đến giờ nghĩ về mẹ với tấm lòng biết ơn dù rằng mẹ chẳng thể cho được gì họ ngoài tình yêu thương là tài sản quý giá nhất.
Trước đây tôi từng cãi mẹ, trẻ con hiếu thắng làm tôi không nói chuyện cùng mẹ. Một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, thậm chí có những lúc tôi dỗi mẹ cả tháng trời không nói gì. Mỗi ngày như thế tôi rất khó chịu, muốn chạy lại ôm mẹ, xin lỗi thật nhiều nhưng đã không làm thế. Lần nào mẹ cũng nhường tôi làm lành trước, đó một phần vì tình yêu mẹ dành cho tôi quá lớn. 18 tuổi tôi làm mẹ khóc bởi sự nổi loạn ương bướng, cãi với ba. Tôi chưa hẳn đã lớn nhưng biết điều nên biết, đủ nhìn nhận những gì mẹ hy sinh chịu đựng suốt thời gian dài mà người đàn ông không xứng đáng để được nhận. Tôi không đủ mạnh mẽ chống chọi với sự thật, thương mẹ phải chịu sự tổn thương lần hai.
27 tuổi tôi vấp phải cú ngã đầu tiên trong cuộc đời, khóc rất nhiều, khác hẳn với vẻ ngoài lạnh lùng. Mỗi đêm nằm khóe mi có dòng nước thấm ướt đẫm gối, mẹ nơi nào đó góc nhà cũng rơi lệ xót xa. Đó là một trò chơi tôi đã bước chân vào và đi ra với vị trí thua cuộc, dẫu biết như thế nhưng có gì đó không cam lòng, nức nở hàng đêm. Tôi òa khóc như đứa trẻ thơ dại chợt nhận ra vẫn còn đó vòng tay mẹ ấm áp để trở về sau vấp ngã, đứng lên đi qua nỗi đau.
Mẹ bệnh nằm viện một tháng chẳng thể ăn uống nổi, cơ thể sút cân trầm trọng. Hàng đêm tôi ở viện nằm trăn trở, đã bao giờ nói rằng “Con yêu mẹ” đâu. Suốt 27 năm kể từ khi tôi có mặt trên thế giới này, luôn làm mẹ khóc. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng đứng lên làm việc và lo kinh tế thật vững để mẹ đỡ vất vả. Chỉ cần mẹ khỏe mạnh tôi sẽ cho mẹ đi du lịch thăm họ hàng, cho mẹ thời gian cà phê với bạn bè nhiều hơn thay vì cặm cụi bên chiếc máy may. Mẹ của người ta đi Tây đi Tàu, biết thứ này thứ nọ còn mẹ tôi chỉ quẩn quanh ngôi nhà góc bếp bữa cơm.
Có hôm nghe mẹ kể đi cà phê với bạn bè, gọi ly cam vắt mà chẳng dám uống chỉ uống trà đá, tôi phì cười hỏi tại sao, mẹ bảo “Trong ly cam thấy có lát cam nên không dám uống” hóa ra là người ta trang trí ly nước cam làm mẹ ngạc nhiên rồi sợ nỗi sợ vô hình. Nhiều khi tôi nghĩ, liệu sau này có con, tôi có thể dành tình yêu cho những đứa con của mình, những đứa cháu ngoại của mẹ, nhiều như bà ngoại đã dành cho mẹ chúng hay không? Có phải đó vốn đã là bản năng của mọi người phụ nữ? Chẳng phải người đời vẫn thường nói nước mắt chảy xuôi, có làm mẹ mới hiểu được hết tấm lòng người mẹ? Có một điều mẹ không biết, tôi nhận ra dường như ngày càng giống mẹ ở đức tính hy sinh, sức chịu đựng dai dẳng.
Mỗi mùa Vu Lan qua, chưa từng bao giờ tôi cài lên ngực áo mình một bông hồng, cũng như chưa từng bao giờ ôm và nói yêu mẹ. "Mẹ", với tôi vẫn mãi là tiếng gọi quen thuộc nhưng chứa đựng ý nghĩa của cả nghìn từ: mang nặng đẻ đau, sớm hôm nhọc nhằn, gánh trên vai âu lo vất vả, vẫn đong đầy yêu thương…
Ly