![]() |
Luật sư Ngô Quí Linh. |
Xe của Tuấn va quẹt làm em H ngã rồi bị bánh xe cán qua. Tuấn đã được người đi đường thông báo có tai nạn và dừng xe. Nhưng dừng lại rồi, khi thấy người đi đường kêu lùi xe lại để đỡ nạn nhân ra thì Tuấn lại không làm theo mà tăng ga với mục đích bỏ trốn. Dù người tài xế này có biện hộ gì đi chăng nữa, dù có vin vào lý do “dừng lại sợ người nhà nạn nhân đánh” thì cũng không thể bào chữa cho hành vi sai trái của mình. Cú tăng ga này đã khiến cho nạn nhân bị bánh sau cán thêm một lần nữa. Chưa dừng lại, khi xe chạy trốn không được vì có chiếc xe gắn máy của người đi đường chặn đầu, Tuấn lại cho de xe để đánh lái sang trái, quyết bỏ chạy cho bằng được bất chấp tính mạng của nạn nhân đang nằm dưới bánh xe của mình. Lần lùi xe lại này đã khiến nạn nhân thêm một lần nữa bị chiếc xe container khổng lồ đè bẹp đến bỏ mạng. Có thể thấy, Tuấn rất quyết tâm thực hiện hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường cho bằng được, bất chấp tính mạng của nạn nhân hay của người đi đường đang ra sức truy đuổi.
Nếu cáo buộc bị cáo Tuấn cố tình cán đi cán lại cho nạn nhân chết, để nhẹ hơn trong trách nhiệm bồi thường sau này thì cũng khó vì đó cũng chỉ là dư luận.
Xét toàn bộ chuỗi hành vi của tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn thì việc lý giải thế này có vẻ hợp lý hơn: Tuấn biết rõ nạn nhân đang bị kẹt dưới bánh xe giữa, nếu xe chạy tiếp thì chắc chắn sẽ cán lên người nạn nhân, có thể làm nạn nhân chết nhưng Tuấn vẫn bỏ mặc. Ý thức chủ quan của người tài xế này có thể không muốn cán chết nạn nhân nhưng biết rõ hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn bỏ mặc hậu quả mà tiếp tục thực hiện hành vi. Tòa xét xử bị cáo Tuấn về tội “giết người” là có căn cứ. Lỗi của bị cáo Tuấn trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp (biết hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra).
Theo điều 93 Bộ luật hình sự, hành vi của Tuấn đã phạm vào khoản 2 với khung hình phạt từ 7-15 năm tù. Vì thế, cho dù sau tai nạn, gia đình bị cáo có bồi thường ít tiền cho gia đình nạn nhân, dù nhân thân có tốt và gia đình nạn nhân có bao dung độ lượng mà xin giảm án cho bị cáo thì mức án mà TAND TP.HCM áp dụng 8 năm tù vẫn là quá nhẹ. Bản án này chỉ hơn mức khởi điểm của khung hình phạt có 1 năm tù. Cần phải có một mức án cao hơn, nếu không xử hết khung hình phạt thì cũng phải từ 12-14 năm tù.
Dư luận cho rằng cần phải xử tài xế Anh Tuấn mức án cao như của “đại gia” Phạm Quang Minh trong vụ tông xe nhiều lần cố tình để giết chết ông Lê Ngọc Hồ là không có cơ sở.
Bản chất hai vụ “giết người” này là khác nhau. Phạm Quang Minh dùng ôtô làm phương tiện để thực hiện hành vi cố tình xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của ông Hồ vì mục đích thù tức cá nhân. Lỗi của “đại gia” Minh là cố ý trực tiếp, thực hiện hành vi (đủ yếu tố cấu thành tội giết người) với mục đích côn đồ. Còn đối với người tài xế trên đây, lỗi của bị cáo Anh Tuấn chỉ là cố ý gián tiếp như đã phân tích.
Trước sự bức xúc của dư luận, VKSND TP HCM và VKSND Tối cao cần xem xét lại bản án để có quyết định kháng nghị tăng án đối với Đặng Hữu Tuấn Anh. Cấp phúc thẩm cần phải áp dụng một mức án thích đáng hơn.
Luật sư Ngô Quí Linh, Đoàn luật sư TP HCM