![]() |
Bị cáo Lã Thị Kim Oanh. |
Luật gia Trần Đình Triển (bảo vệ bị cáo Nguyễn Quang Hà) hỏi Lã Thị Kim Oanh: "Có tiêu cực xảy ra khi đến gặp thứ trưởng Hà để xin xác nhận vào công văn vay tiền?". Nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị trả lời rằng không có chuyện quà cáp, biếu xén. "Với thứ trưởng Hà, không chỉ riêng tôi mà anh em ở Bộ ai cũng tỏ lòng kính trọng vì đây là người có tài và nhân hậu", Lã Thị Kim Oanh trình bày.
Tương tự, luật sư Chu Khang (bảo vệ Lã Thị Kim Oanh) hỏi nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân về năng lực làm việc của Lã Thị Kim Oanh. Bị cáo Luân khen đây là nữ giám đốc năng nổ, hết lòng vì công việc, nhưng có nhược điểm là không chú ý đến quản lý tài chính - kế toán ở doanh nghiệp. Ông Chu Khang hỏi: "Ông đánh giá thế nào về việc tổ chức các cuộc triển lãm của Lã Thị Kim Oanh?". Trả lời: "Công trình khu triển lãm nông nghiệp Nghĩa Đô đã được hoàn thành trước thời hạn. Công ty Tiếp thị đã tích cực tham gia và tổ chức các cuộc triển lãm trong và ngoài nước".
Trình bày về dự án xây dựng nhà 164 Trần Quang Khải, Lã Thị Kim Oanh khai do phải nhanh chóng gấp rút hoàn thiện công trình để bàn giao cho đối tác nên Công ty Tiếp thị phải huy động tiền từ nhiều nguồn. Nhưng lúc đó doanh nghiệp đang bị thanh tra nên việc xoay xở vốn khó khăn. Lã Thị Kim Oanh về bàn với chồng bán nhà lấy tiền. "Anh ấy không đồng ý và nói rằng em làm khổ bố con anh đến bao giờ nữa", Lã Thị Kim Oanh nước mắt giàn giụa nói. Đây là lần đầu tiên nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị bật khóc tại phiên phúc thẩm. Bị cáo Oanh còn khai đã phải lấy trộm giấy tờ nhà của bố chồng để đem đi cầm cố lấy tiền thực hiện công trình. Vẫn theo Lã Thị Kim Oanh, nhiều cán bộ trong công ty còn tự nguyện đem xe máy đi đặt, giúp đỡ đơn vị trong lúc khó khăn.
Các luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Mỹ Hà, Nguyễn Trọng Tỵ, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Thị Phương Đức và Đỗ Thị Phương Tâm cũng đặt câu hỏi với Lã Thị Kim Oanh cùng 7 bị cáo còn lại để làm rõ nhiều vấn đề. Luật sư Mỹ Hà (bảo vệ Nguyễn Chính Nghĩa) khi thẩm vấn người liên quan Đồng Thị Lan nhiều lần bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng không "tập trung vào vụ án". Đến lượt thẩm vấn, luật sư Hải (bào chữa cho Lã Thị Kim Oanh) đọc những dòng đầu tiên của văn bản số 01 (ngày 22/3/2004) của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội gửi TAND Tối cao cho rằng việc cáo trạng quy kết Lã Thị Kim Oanh tham ô 2,8 tỷ đồng tại dự án khu Công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc) là không có cơ sở. Theo đó, khoản tiền này Công ty Tiếp thị vay của ngân hàng, sử dụng đúng mục đích vào việc chi trả đền bù đất cho dân. Tuy nhiên, ông Hải vừa trình bày thì chủ tọa cũng ngắt lời, vì công văn này HĐXX đã biết.
Phiên tòa thực sự "nóng" lên khi luật gia Trần Đình Triển hỏi dồn dập các đại diện ngân hàng, Cục Đầu tư Hà Nội và giám định viên tài chính. Ông Triển đặt vấn đề với đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội rằng, Lã Thị Kim Oanh vay tiền đơn vị 2 lần vào năm 1996 và 1997, tại sao lần đầu ngân hàng không yêu cầu phải có xác nhận của Bộ chủ quản, lần sau lại yêu cầu? Đại diện Thương mại cổ phần Quân đội đáp, ở thời điểm 1996, Công ty Tiếp thị là doanh nghiệp nhà nước có uy tín, thực hiện dự án khả thi khu triển lãm nông nghiệp Nghĩa Đô được Chính phủ phê duyệt nên không cần có xác nhận của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn một năm sau, khi Lã Thị Kim Oanh vay tiếp 10 tỷ đồng, nhà băng nghe phong thanh rằng, Công ty Tiếp thị đang được cổ phần hóa và không tiếp tục thực hiện dự án khu triển lãm nữa nên đòi hỏi phải có xác nhận của Bộ.
Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, việc xác nhận là cần thiết vì "để khẳng định đây là doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện dự án nhóm A"; nhưng lại nhấn mạnh rằng "đây không phải là văn bản bảo lãnh". Ông Triển đặt tiếp câu hỏi: "Lã Thị Kim Oanh giải trình biện pháp đảm bảo hoàn vốn như thế nào?". Đáp: "Tại nguồn vốn ngân sách cấp từ Cục đầu tư Hà Nội".
Tiếp đó, ông Triển thẩm vấn Lã Thị Kim Oanh bằng hàng loạt câu hỏi dạng đúng hay sai. Hỏi: "Trong quá trình triển khai dự án, việc cấp vốn tín dụng không được thực hiện đúng tiến độ nên phải vay tạm ngân hàng, đúng hay không?". Trả lời: "Đúng". Ông Triển hỏi lại: "Có thực sự dùng vào khu triển lãm hay không?". Lúc này nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị đáp lý nhí: "Có một phần tôi dùng vào việc trả nợ trước đây. Nhưng đây là do điều kiện khách quan đem lại". Rồi bà Oanh toan giải trình các khoản này, nhưng luật sư Triển đã kịp ngăn thân chủ lại.
Điểm nhấn trong phần thẩm vấn Lã Thị Kim Oanh của ông Triển được thể hiện trong việc hỏi bị cáo này về việc Công ty Tiếp thị có được các cơ quan chức năng kiểm tra trong suốt thời gian hoạt động hay không. Ông Triển hỏi: "Từ khi công ty được thành lập năm 1995 đến 2001, VKS với vai trò kiểm soát chung có lần nào đến kiểm tra?". Đáp: "Có". Hỏi: "Công an cảnh sát kinh tế với vai trò phòng ngừa, phát hiện tội phạm có đến kiểm tra?". Kim Oanh trả lời: "Có". Rồi ông Triển nêu nhiều câu hỏi rằng những cơ quan chức năng khác như Cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Đầu tư và Bộ Tài chính... có kiểm tra thường kỳ hoạt động kinh doanh của Tiếp thị hay không? Lã Thị Kim Oanh đều đáp: "Có". Theo bị cáo Oanh, những cơ quan trên đều không phát hiện và có kiến nghị về những tồn tại ở Công ty Tiếp thị.
Tại phiên tòa hôm nay Lã Thị Kim Oanh khai, tài sản của Công ty Tiếp thị bao gồm một số dự án mà công ty đã đầu tư như khách sạn 120 Quán Thánh, khu 164 Trần Quang Khải, dự án 76 căn hộ ở Dịch Vọng, dự án nhà ở đường Hoàng Quốc Việt... Do vậy, ông Triển hỏi: "Giả sử những tài sản này được phát mại hay chuyển nhượng thì có đủ để trả những khoản nợ của công ty?". Nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị như "cá gặp nước" nói lưu loát: "Nếu cho phép phát mại, và cho tôi 1-2 năm làm nốt dự án 76 căn hộ ở Dịch Vọng thì thừa tiền để thanh toán cho những thiệt hại đã bị quy kết trong vụ án".
2/3 thời gian của phiên xử sáng nay được dành cho ông Triển đặt câu hỏi với những người tham gia tố tụng. Cuộc thẩm vấn giữa ông và giám định viên tài chính Lại Văn An diễn ra khá căng thẳng. Các câu hỏi xoáy sâu vào chức năng hoạt động của Công ty Tiếp thị; vì sao có những vấn đề được giám định và có những phần việc lại không... Tại câu hỏi về quy chế vay vốn tạm thời trong khi thực hiện dự án đầu tư nhóm A, chủ tọa Nguyễn Hùng Cường đã ngắt lời ông Triển, cho rằng không thuộc nội dung vụ án. Ông Triển đối đáp: "Nếu chủ toạ là luật sư của giám định viên thì thôi, tôi không hỏi nữa". Theo ông Triển, trong kết luận giám định có đề cập đến việc Công ty Tiếp thị đi vay vốn ngắn hạn tại các ngân hàng, do vậy câu hỏi trên là có cơ sở. Chủ tọa đồng ý cho luật gia này tiếp tục chất vấn.
Hôm nay, HĐXX đã kết thúc phần thẩm vấn. Thứ hai, HĐXX tiếp tục với phần VKS công bố bản luận tội.
Anh Thư