Đến nơi làm việc và ra về đúng giờ là quy định cơ bản của hầu hết các công ty. Nếu nhân viên vi phạm, công ty có quyền xử lý. Song việc sa thải nhân viên vì nhiều lần rời nơi làm việc sớm một phút có đúng luật lao động? Đây cũng chính là tranh chấp chính trong vụ tranh chấp hợp đồng lao động vừa được xét xử tại Tòa án Nhân dân Khu Phát triển Công nghệ Mới Donghu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Hồ sơ vụ việc thể hiện, tháng 1/2022, anh Trần ký hợp đồng lao động bằng văn bản có thời hạn 3 năm với một công ty công nghệ ở Vũ Hán. Cùng ngày, anh Trần đã ký xác nhận sẵn sàng tuân thủ quy định nội bộ của công ty. Trong quy định có điều khoản: "Bất cứ ai đi muộn hoặc về sớm 6 lần trở lên trong một năm đều vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động của công ty và sẽ bị sa thải sau khi điều tra và xác minh nhân sự".
Ngày 6/12 cùng năm, công ty đã gửi quyết định sa thải cho Trần qua email, trong đó nêu rõ Trần đã về sớm 11 phút vào ngày 3/9, sớm một phút vào ngày 22/10 mà không có sự chấp thuận của công ty. Ngoài ra, hệ thống cũng ghi nhận anh ta có 4 lần về sớm một phút vào các ngày từ tháng 10 đến tháng 12".
Tổng cộng số lần về sớm trong năm của nhân viên này là 6 lần, tổng 16 phút. Công ty do đó chấm dứt hợp đồng lao động với Trần theo quy định, email nêu lý do.
Camera giám sát của công ty cho thấy các thời điểm trên, Trần đã rời vị trí làm việc của mình một phút trước 12h trưa để chờ thang máy, song vẫn bị tính là về sớm trái quy định.
Nhân viên này bất bình và cho rằng công ty đã thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng về việc "tan làm sớm" và hợp đồng lao động đã bị chấm dứt trái luật. Vì vậy, anh đã nộp đơn lên Ủy ban trọng tài tranh chấp lao động và nhân sự Vũ Hán và yêu cầu công ty bồi thường cho việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Ủy ban trọng tài đã ra phán quyết có lợi cho yêu cầu bồi thường của Trần.
Công ty không hài lòng và quyết định khởi kiện nhân viên cũ ra Tòa án Khu phát triển công nghệ mới Hồ Đông Vũ Hán.
Đánh giá về vụ việc, HĐXX nêu rằng chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là hình phạt tương đối nặng. Nếu một nhân viên được xác định là đã vi phạm nghiêm trọng các nội quy, quy định và lấy đó làm lý do để thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng lao động, ngoài việc xem xét tính hợp pháp của hệ thống, cũng cần xem xét tính hợp lý của việc thực hiện nó.
Trong trường hợp này, ảnh chụp màn hình video do một công ty công nghệ ở Vũ Hán cung cấp cho thấy bị đơn Trần thực sự đã rời khỏi nơi làm việc khoảng một phút trước 12 giờ trưa. Song theo tòa, không nên coi việc rời nơi làm việc sớm này là vi phạm nghiêm trọng để sa thải.
HĐXX nhận định người sử dụng lao động nên xem xét việc đi làm của nhân viên hằng tháng, những ngày nhân viên đi làm sớm, hiệu suất và thái độ với công việc, nhìn chung nên có đánh giá toàn diện. Nếu Trần có vi phạm thì trong tháng đó, công ty nên thông báo vi phạm ngay.
Trong khi đó, công ty lại "âm thầm" cộng dồn và chỉ đưa ra quyết định đuổi việc một lần và duy nhất, "rõ ràng là không phù hợp", tòa phân tích.
Vì vậy, tòa phán quyết, việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động là thiếu cơ sở, trái pháp luật và do đó phải bồi thường cho Trần, như phán quyết của trọng tài trước đó.
Tòa bác yêu mọi cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trong bản án, tòa phân tích, pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời trao cho người sử dụng lao động quyền quản lý người lao động. Hai quyền này không thể tách rời và khác biệt.
"Khi xét xử vụ án chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tòa luôn xem xét tính hợp pháp và hợp lý của các nội quy này. Việc xác định những hành vi nào được coi là vi phạm nghiêm trọng nội quy, cần đảm bảo hợp thuần phong mỹ tục, sự công bằng, quy mô công ty và tác động của vi phạm đó đến hoạt động của công ty", bản án nêu.
Công ty sau đó kháng cáo nhưng bất thành.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật, China Court đưa tin hôm 1/1.
Hải Thư (Theo China Court)