Tháng 9/1966, Ida Phillips làm nhân viên phục vụ và kiếm được 51 USD một tuần tại một nhà hàng ở Orlando, Florida. Vợ chồng cô có bảy người con, từ 3 đến 16 tuổi. Đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo.
Trong thời gian này, cô đọc được quảng cáo tuyển dụng 100 người có bằng tốt nghiệp trung học làm việc trên dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử cho nhà sản xuất tên lửa Martin-Marietta (nay là Lockheed Martin). Công việc này được trả lương từ 100 đến 125 USD, gấp đôi lương hầu bàn của cô.
Ngay hôm sau, Ida đến một nhà máy tên lửa ở Orlando để xin việc ở dây chuyền lắp ráp. Nhưng khi nhân viên lễ tân phát hiện ra Ida có một đứa con đang học mẫu giáo, họ thậm chí không đưa đơn đăng ký.
Công ty Martin Marietta có chính sách không tuyển dụng phụ nữ có con chưa đến tuổi đi học, song vẫn tuyển dụng nam giới có con ở độ tuổi này.
Phụ nữ Mỹ, những năm 1970 về trước, được mặc định là người trông nom con nhỏ để chồng đi kiếm tiền. Giữa cha và mẹ, công ty này cho rằng những bà mẹ là người sẽ bị ảnh hưởng vì con ốm hoặc thiếu người chăm sóc. Và ngay cả khi họ đã rời nhà đi làm, lo lắng suy nghĩ vẫn tiếp diễn, các bà mẹ sẽ quá phân tâm bởi những suy nghĩ về mái ấm gia đình. Ida mất cơ hội xin việc "ngay từ vòng gửi xe", nhưng cô cảm thấy bất bình hơn là buồn.
Ida Phillips viết một lá thư cho tổng thống Lyndon B. Johnson, người đã ký Đạo luật Dân quyền năm 1964. Cô phàn nàn bị từ chối quyền làm việc bình đẳng. Lá thư của cô đã được Tổng thống chuyển đến Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) để trợ giúp.
Được đại diện bởi luật sư của Quỹ bào chữa pháp lý NAACP, Ida đã đệ đơn kiện Martin Marietta lên Tòa án quận của Florida Trong đơn kiện, cô cáo buộc rằng đã bị công ty từ chối tuyển dụng vì giới tính của mình. Điều này vi phạm Chương VII của Đạo luật Dân quyền năm 1964.
Nhưng trước sự thất vọng của cô, cả tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã đưa ra phán quyết có lợi cho Martin Marietta Corp., kết luận công ty này "không có thành kiến nào với phụ nữ". Thực tế, có tới 70-50% số người nộp đơn cho vị trí công ty mà Ida đang ứng tuyển là phụ nữ và trên thực tế, 75-80% những người được thuê cho vị trí này là phụ nữ, bản án nêu.
Tòa án đã xác định rằng do trách nhiệm của nam giới và phụ nữ không giống nhau nên người sử dụng lao động có quyền "cân nhắc những trách nhiệm khác nhau này trong việc thiết lập chính sách tuyển dụng".
Tháng 12/1970, Ida quyết tâm đưa vụ án lên Tòa án Tối cao. Luật sư của cô lập luận rằng, kể từ khi Đạo luật Dân quyền năm 1964 được thông qua, ở Mỹ đã không tồn tại khái niệm "việc làm cho nam giới và việc làm cho phụ nữ".
Luật sư cho rằng phụ nữ "nên được đối xử như những cá nhân có quyền thể hiện năng lực và thành tích của mình" và rằng 4,2 triệu phụ nữ Mỹ sẽ mất việc nếu tất cả các công ty áp dụng lệnh cấm giống như Martin Marietta đã làm đối với những bà mẹ có con nhỏ.
Nếu việc từ chối tuyển dụng này được giữ nguyên, điều đó có bất kỳ ai thuộc các đối tượng được bảo vệ, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác hoặc khuyết tật, đều có thể bị từ chối tuyển dụng vì quyết định của người sử dụng lao động hoàn toàn dựa trên yếu tố chủ quan. "Điều này có nghĩa người sử dụng lao động có thể áp đặt các tiêu chuẩn chủ quan bổ sung để từ chối tuyển dụng bất kỳ người nào", luật sư James Robinson nêu.
Ông viện dẫn câu chuyện của chính mình, lớn lên ở Fort Lauderdale, Florida, là con trai của một người mẹ chỉ học hết lớp ba nhưng đã lo cho bốn đứa con vào đại học. "Tôi đã được hướng dẫn bởi những kỳ vọng thuần khiết của mẹ. Bà có tầm nhìn cho sự nghiệp luật sư của tôi rằng tôi có thể giúp tạo sân chơi bình đẳng bằng cách hỗ trợ những người yếu thế, một trong số đó là những người mẹ nghèo đông con, như chính mẹ tôi", ông nêu.
Trong bản án tuyên ngày 25/1/1971, các thẩm phán tòa Tối cao đã làm nên lịch sử đấu tranh bình đẳng giới của nước Mỹ, khi tuyên phần thắng thuộc về Ida. "Người sử dụng lao động không thể từ chối tuyển dụng phụ nữ chỉ vì họ có con nhỏ, trừ khi những người cha có con nhỏ cũng bị từ chối", bản án nêu. Tất cả chín thẩm phán vào thời điểm đó, đều là nam giới.
Bản án dẫn Điều 703 của Đạo luật Dân quyền năm 1964, yêu cầu những người có trình độ như nhau phải được trao cơ hội việc làm bất kể giới tính của họ. Do đó, nếu công ty muốn từ chối ký kết hợp đồng với Ida phải dựa trên đánh giá năng lực, chứ không phải hoàn cảnh, có con nhỏ hay không có con nhỏ.
Tòa án Tối cao nhất trí cho rằng chính sách của Marietta Corp. đã phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới, sau đó gửi vụ việc trở lại tòa án cấp dưới để xét xử. Khi gửi lại trường hợp này, Tòa tối cao khuyến nghị rằng người sử dụng lao động có thể biện minh cho sự phân biệt đối xử bằng cách sử dụng "trình độ" của Ida.
Do đó, bề ngoài, có vẻ như phán quyết này của Tòa án Tối cao đã giúp phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ, tiến một bước gần hơn đến bình đẳng giới, đặc biệt trong công việc. Song thực tế, đó lại là một chiến thắng "nửa vời" khi Tòa đã mở ra hướng cho các doanh nghiệp có thể vin vào "trình độ" để đường đường chính chính sa thải, không nhận hoặc trả lương thấp cho nhân viên nữ. Giới luật gọi vụ kiện là một "muted victory" - chiến thắng câm lặng.
Và thực tế, sau đó, Ida cũng không được Martin Marietta tuyển dụng với lý do không đạt yêu cầu trình độ. Cô được công ty bồi thường một khoản tiền, đủ để mua một chiếc điều hòa nhiệt độ mới và đưa các con đến Disneyland.
Hải Thư (Theo Atlantic, Supreme Court US, NYT, Casemine, Yale University)