Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phần lớn các tiệm bánh mì ở thành phố New York mở trong các hầm nhà chung cư, vì giá thuê thấp và sàn nhà đủ chắc chắn để chịu được trọng lượng của lò nướng. Trần rất thấp, chỉ khoảng 1,5 mét, buộc hầu hết nhân viên lò bánh phải khom lưng.
Lò bánh có ít cửa, ban ngày cũng ít ánh sáng. Vào mùa hè, nhân viên phải chịu cái nóng gay gắt, và vào mùa đông, ngay cả sức nóng của lò nướng cũng không thể giữ ấm cho các tiệm bánh. Việc thiếu hệ thống thông gió đầy đủ cũng có nghĩa là bụi và khói bột trong quá trình nướng bánh không thể thoát ra ngoài.
Hầu hết những người đến thăm những lò bánh này đều đồng ý rằng nhân viên trông bẩn thỉu và bánh mì do họ sản xuất gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Làm việc nhiều giờ trong môi trường này cũng ảnh hưởng xấu sức khỏe người lao động. Năm 1895, một nhân viên tiệm bánh trung bình làm việc 74 giờ một tuần, thậm chí lâu hơn.
Để giải quyết những vấn đề này, New York đã thông qua Đạo luật lò bánh năm 1895, thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu, bao gồm các quy định cấm nuôi động vật trong nhà trong tiệm bánh và cấm công nhân ngủ trong buồng nướng. Một điều khoản quan trọng là giới hạn giờ làm việc của người làm tại lò bánh ở mức không quá 10 giờ mỗi ngày và 60 giờ mỗi tuần.
Joseph Lochner là người Đức nhập cư, sở hữu một tiệm bánh ở Utica, New York, chuyên sản xuất bánh quy, bánh mì và bánh ngọt cho những khách hàng vào sáng sớm.
Không giống như các tiệm bánh khác, nơi áp dụng hai ca riêng biệt cho buổi tối và buổi sáng, tiệm bánh của Lochner chỉ sử dụng đội thợ làm bánh. Các nhân viên của Lochner, do đó, thường xuyên phải làm việc đến khuya, đôi khi ngủ trong tiệm bánh trước khi dậy sớm để nướng bánh cho khách.
Tháng 1/1901, ông Lochner bị bắt với cáo buộc vi phạm Đạo luật lò bánh. Nhưng ông cho rằng không phạm tội vì trong hợp đồng ký với nhân viên đã có điều khoản "họ sẵn sàng làm việc thêm giờ".
Luật sư của ông Lochner lập luận, quyền tự do ký hợp đồng là một trong những quyền cơ bản của người lao động, được bảo vệ Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ, trong đó nói, ngay cả Chính phủ cũng không được can thiệp vào quyền này.
Song Tòa lập luận rằng quyền tự do ký kết hợp đồng vẫn cần bị hạn chế, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc sức khỏe của những người lao động, như trong trường hợp này.
Tòa tuyên ông Lochner có tội và phạt 50 USD (hơn 1.700 USD ngày nay). Ông Lochner đã 2 lần kháng cáo lên tòa Phúc thẩm, song bất thành. Cuối cùng, Tòa án Tối cao quyết định mở phiên tòa, tháng 2/1905.
Cuối cùng, Tòa tối cao đảo ngược kết quả vụ án, tuyên phần thắng thuộc về ông Lochner, cho rằng việc kéo dài giờ làm không ảnh hưởng sức khỏe người lao động, cũng như chất lượng sản phẩm.
"Nướng bánh không giống như khai thác quặng, không phải loại hình lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Do đó, việc hạn chế về số giờ làm không có ý nghĩa trong việc bảo vệ sức khỏe thợ bánh", bản án nêu.
Trong khi các chủ tiệm bánh và các doanh nhân khác hoan nghênh quyết định của Tòa án, thì tổ chức lao động lại tố cáo đó là phản động, khẳng định quan điểm của họ coi tư pháp là tay chân của các doanh nhân tư bản và là kẻ thù của nhân dân lao động.
Quyết định của Tòa án Tối cao một thế kỷ sau vẫn bị chỉ trích bởi các học giả pháp lý như một trong những bản án bị lên án nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tu chính án 14, quy định về việc "Nhà nước không được quyền can thiệp vào hợp đồng lao động", bị các học giả phê phán là công cụ của chế độ tư bản bóc lột để công khai đàn áp công nhân, hạn chế quyền kiểm soát của Nhà nước và hạn chế quyền lợi tối thiểu của người lao động.
Ở cái nhìn vĩ mô, vụ án thường xuyên được trích dẫn như một ví dụ về vụ án kinh doanh quan trọng nhất mà Tòa án Mỹ từng quyết định, làm hạn chế nghiêm trọng khả năng điều tiết kinh doanh và nền kinh tế của chính phủ.
Cuối cùng, năm 1937, sau ba thập kỷ tranh cãi, Tòa tối cao đã phán quyết "quyền tự do hợp đồng không phải là vô hạn". Điều này nghĩa là hợp đồng không chỉ là ràng buộc riêng tư giữa người lao động và người sử dụng lao động, mà nó phải phù hợp với các quy định và điều chỉnh của Nhà nước.
Ngày nay, vụ tiệm bánh Lochner đã in sâu vào tâm trí mọi sinh viên luật nước Mỹ như một quyết định tư pháp tồi và là một trong những vụ khét tiếng nhất trong các vụ án về luật Hiến pháp.
Hải Thư (Theo Britanica, Oyez, Landmarks cases)