Giữa năm 1998, Ngân hàng Thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) có bê bối tài chính, phải chịu sự quản lý đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan an ninh điều tra đã yêu cầu ông Nguyễn Tiến Long, nguyên thành viên Hội đồng quản trị VP Bank, phải chuyển nhượng quyền sở hữu các cổ phiếu VP Bank. Ông Long buộc lòng bán rẻ toàn bộ 564 cổ phiếu của mình cho ông Nguyễn Tiến Luận (việc này được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước và VP Bank). Hợp đồng giữa ông Long và ông Luận ký ngày 31/7/1998, giá bán 2,82 tỷ đồng, chỉ bằng 50% tổng mệnh giá các cổ phiếu(!)
Nội dung hợp đồng mua bán (do ông Luận soạn thảo theo ý kiến của các luật sư mà ông thuê) cho thấy ông Luận đã nhận thức rõ là, theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép sang tên cổ phiếu sau 2 năm kể từ ngày ông Long thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị VP Bank. Nhưng vì giá rẻ nên ông Luận vẫn cứ làm hợp đồng mua số cổ phiếu của ông Long với hy vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
Năm 1999, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đã cho phép chuyển nhượng cổ phiếu với yêu cầu ông Luận phải làm cam kết, khẳng định lại việc chấp nhận thực trạng tài chính của VP Bank. Đến ngày 4/5/1999, VP Bank đã làm thủ tục sang tên cho ông Luận đối với 364 cổ phiếu thường. Còn 200 cổ phiếu sáng lập ông Long trước đây mua lại của chủ sở hữu cũ, nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, VP Bank chưa sang tên được. Đây là lý do khiến ngày 5/5/2000, ông Luận khởi kiện đòi ông Long và VP Bank hoàn tất hợp đồng mua bán cổ phiếu (giao nốt 200 cổ phiếu sáng lập).
Tới ngày 24/7/2000, Ngân hàng Nhà nước có công văn theo đó việc chuyển nhượng đối với 200 cổ phiếu sáng lập sẽ bị tạm đình chỉ. Trong bối cảnh đó, ngày 5/12/2000, nguyên đơn Luận đã thay đổi yêu cầu, đòi hủy hợp đồng ký với ông Long, theo đó VP Bank hoàn trả lại cho ông Luận 2,82 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu ông Long trả hơn 809 triệu đồng tiền lãi phát sinh.
Phiên tòa sơ thẩm không thoả mãn đòi hỏi của ông Luận
Như vậy, ý định ban đầu của ông Luận là mua giá rẻ lượng cổ phiếu lớn của VP Bank. Đến nay, số cổ phiếu đã mua không lên giá như dự tính, nên ông Luận chỉ mong rút vốn.
Lập luận tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/12/2000, ông Luận cùng luật sư cho rằng việc mua bán cổ phiếu lúc đó chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, do đó phải hủy hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, HĐXX Tòa kinh tế Hà Nội xác định được rằng trước khi ông Luận khởi kiện, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho sang tên ông Luận số cổ phiếu, và thực tế ông Luận đã ký tên nhận 364 cổ phiếu thường. Do đó, tòa bác yêu cầu của nguyên đơn, chỉ tuyên huỷ phần hợp đồng mua bán đối với 200 cổ phiếu sáng lập, buộc ông Long hoàn trả ông Luận 1 tỷ đồng trị giá mua bán 200 cổ phiếu này.
Tình tiết mới trong vụ kiện
Không đồng ý với bản sơ thẩm, ông Luận làm đơn kháng cáo. Ngoài việc khẳng định bên bán "gian dối trong giao kết hợp đồng", không có đủ 564 cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của mình để bán cho bên mua..., ông Luận còn làm đơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xác minh chủ sở hữu 200 cổ phiếu sáng lập trên.
Ông Luận cáo buộc "bên bán gian dối" trong hoàn cảnh chính ông là một giám đốc lừng danh của Ladeco, một công ty làm ăn khá phát đạt và có thâm niên trên thương trường. Việc "gian dối" theo đó lại xảy ra khi bên bán buộc phải bán tài sản để trả nợ, còn bên mua mua rẻ được với giá hợp đồng chỉ bằng 50% giá trị thực của số cổ phiếu.
Phiên tòa phúc thẩm theo đúng yêu cầu của ông Nguyễn Tiến Luận đã không tiến hành được do sự vắng bận của chính nguyên đơn. Nhưng đáp ứng đề nghị của ông Luận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu làm rõ nguồn gốc chuyển nhượng 200 cổ phiếu sáng lập. Tại văn bản ngày 8/6/2001, ACB đã xác nhận có việc chuyển nhượng số cổ phiếu này cho Nguyễn Tiến Long, thể hiện tại công văn ngày 1/1/1994 của Nguyễn Tiến Long và ACB còn lưu giữ.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên VnExpress hôm qua, Trưởng phòng Pháp chế VP Bank Nguyễn Như Bình cho biết, kết luận mới đây của Ngân hàng Nhà nước VN "xác nhận quyền sở hữu của Nguyễn Tiến Long đối với 200 cổ phiếu sáng lập" có thể được coi là căn cứ pháp lý quan trọng để khẳng định tính hợp pháp của hợp đồng mua bán cổ phiếu giữa ông Long và ông Luận.
Vào ngày phiên toà phúc thẩm ấn định, 18/7, ông thẩm phán Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội thông báo hoãn phiên toà vì: 17 giờ chiều hôm trước (17/7), ông Luận đã nộp đơn xin hoãn với lý do "phải đi công tác nước ngoài". Tuy nhiên, nhân viên công ty Ladeco khẳng định là đến sáng nay, 19/7, Giám đốc Luận vẫn có mặt tại nơi làm việc.
Phiên tòa phúc thẩm, có thể mở vào tháng 8 khi mà nguyên đơn Nguyễn Tiến Luận... rỗi rãi.
Phạm Huyền