Diễn viên Quang Hải và Hải Yến trong phim. |
Nhà thơ Nguyễn Duy, một trong những tác giả kịch bản, tâm sự: "Ý tưởng bộ phim này xuất hiện khi chúng tôi muốn làm một cuộc dạo chơi về thế giới ký ức. Đây là một tác phẩm hoàn toàn ngẫu hứng với đội ngũ làm phim độc đáo vì hội tụ diễn viên từ 15 quốc tịch khác nhau. Những người tham gia đóng phim giống như đội quân tình nguyện, họ không lấy tiền cát-xê. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã nói, khi bộ phim này ra mắt, nếu khán giả chê thì tức là lỗi của đạo diễn, vì phim đã được những người gạo cội viết kịch bản".
Kịch bản của Vũ khúc con cò do nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Thu Bồn và nhà văn, cựu chiến binh Mỹ Waynes Karlin cùng viết. Trong đó, mỗi người chịu trách nhiệm viết về một nhân vật: nhà văn Nguyễn Quang Sáng phụ trách nhân vật Lâm (Phạm Gia Chi Bảo đóng), một chiến sĩ biệt động Sài Gòn; nhà thơ Nguyễn Duy viết về chàng nông dân vui tính và giản dị tên May (Trịnh Mai Nguyên đóng) và Mạnh (Tạ Ngọc Bảo đóng); nhà thơ Thu Bồn phác họa chàng trai lãng mạn tên Văn (Quang Hải đóng) và Hoài (Hải Yến đóng), người yêu Văn. Riêng nhà văn Mỹ Karlin đã viết về chính những gì anh trải qua trong cuộc chiến tại VN.
Một cảnh trong phim. |
Bộ phim bắt đầu từ thời điểm tháng 4/1968, khi những tân binh đến trại tập huấn Xuân Mai để chuẩn bị gia nhập cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người lính trẻ Mạnh, Văn, May, Vinh, Lâm chỉ bên nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng mối quan hệ giữa họ đã gắn chặt thân thiết. Anh chàng nông dân được cha mẹ đặt tên là May luôn mong ước, khi hòa bình, sẽ trở về làng cưới một cô vợ béo tròn và đẻ ra một lũ con cũng béo núc ních. Nhưng rồi, ước mơ đơn sơ của anh không thành, anh đã không được may mắn để trở về ngôi làng thân yêu. Mạnh, 16 tuổi, khai man tuổi, trốn nhà đi bộ đội, vào chiến trường với tất cả sự nhiệt tình và ngây thơ. Văn, anh chàng sinh viên văn lãng mạn, ra trận với cây đàn guitar, những tập thơ, nhật ký và hình ảnh của người vợ yêu thương. Lâm, một chiến sĩ biệt động lạnh lùng, khôn ngoan và biết hy sinh vì sự nghiệp chung. Còn Vinh là nhà quay phim chiến trường. Vai này do chính nhà quay phim "xịn" Lưu Quang Vinh thể hiện.
Diễn viên Ngọc Hiệp. |
Phim có quá nhiều nhân vật chính nên các diễn viên đều xuất hiện thoáng qua và nhàn nhạt. Kết cấu phim rời rạc và xộc xệch. Chỉ có nhân vật Lâm và Thúy Lan (vợ Lâm, do Ngọc Hiệp thể hiện) gây được ấn tượng. Ngọc Hiệp thể hiện bản lĩnh của một diễn viên chuyên nghiệp qua những cảnh quay nội tâm. Thúy Lan, con gái một thiếu tá chế độ Sài Gòn, là phụ nữ bản lĩnh, yêu chồng thương con. Ngày giải phóng, cô mới biết rằng chồng mình là Việt cộng. Cảm thấy bị xúc phạm vì bị lừa dối, Thúy Lan quyết định trốn chạy sang Mỹ. Đóng đôi với cô, Chi Bảo cũng thể hiện rất đạt nỗi đau giằng xé giữa tình cảm vợ chồng và nhiệm vụ của một người lính.
Vũ khúc con cò nằm trong số những phim đầu tiên Hải Yến tham gia nên diễn xuất của cô còn khô và nhạt. Hải Yến đã bỏ lỡ những trường đoạn rất dễ gây xúc cảm như khi ngôi nhà bị đánh bom, được báo tin, đáng lẽ người mẹ phải vội vàng hốt hoảng trở về để xem con gái mình ra sao thì khán giả lại bắt gặp hình ảnh cô đạp xe lững thững về nhà với vẻ mặt vô cảm.
Đây là bộ phim hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn và công ty Mega Media của Singapore. Toàn bộ hậu kỳ phim được thực hiện tại Singapore và Thái Lan. Đoàn làm phim đã rất nỗ lực nhưng vẫn không tránh khỏi những hạt sạn: xe đi vào chiến trường nhưng lại mang biển K29 trắng, quần áo chiến đấu của bộ đội mới toanh, và những mẩu đối thoại mà một người cứ tự sự bằng tiếng Anh, một người cứ giãi bày bằng tiếng Việt mà vẫn hiểu nhau...
Phim đã đoạt giải Phim truyện nhựa hay nhất trong liên hoan phim Milano của Italy và đã ký hợp đồng phát hành trước khi bộ phim được hoàn thành với Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Hy Lạp, Ba Lan... Vũ khúc con cò sẽ được khởi chiếu tại các rạp Hà Nội vào trung tuần tháng 1/2003 và tại TP HCM trong dịp tết âm lịch.
Thu Hương