Mối lo của người dân với các vấn đề môi trường đang dâng lên như những đợt triều cường cuối năm ở Sài Gòn. Nhiều người bực bội vì thiếu thông tin chính thức và đầy đủ từ nhà chức trách và giới chuyên môn. Song ít ai biết rằng, họ toàn quyền được sử dụng một lá phiếu mà cơ quan chức năng có trách nhiệm phải hồi đáp: Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
Đó là "phiếu mẫu số 01a" ban hành kèm Nghị định 13/2018 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Tất nhiên, tôi không dám khẳng định các phiếu yêu cầu gửi đi sẽ được hồi đáp ngay, đầy đủ và trách nhiệm. Nhưng vì từng biết tới hành trình gian nan của luật này trước khi được khai sinh, dõi theo bước đi của nó, tôi thấy luật có nhiều điểm tiên tiến song chưa được tận dụng.
Luật Tiếp cận thông tin quy định cụ thể 15 loại thông tin phải được công khai rộng rãi, trong đó "thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng" nằm ở mục n, điều 17. Các thông tin phải được công bố hoặc người dân có quyền được tiếp cận có biên độ rất rộng, từ báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách; thông tin về danh mục dự án, chương trình mua sắm công tới kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Dù được thai nghén từ những năm 2008, 2009 nhưng phải tới 2016, Luật mới được Quốc hội thông qua, và mất thêm hơn hai năm chuẩn bị trước khi chính thức hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái. Công bằng mà nói, Luật Tiếp cận thông tin cũng trổ vài quả ngọt. Nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước đã tỏ ra chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin trên các website, nhất là trong việc công bố chức năng, quyền hạn, sơ đồ bộ máy và văn bản pháp luật liên quan.
Ở Bắc Kạn, các cán bộ xã đã phát hiện ra rằng tuyên truyền luật pháp bằng những buổi họp không hiệu quả. Họ thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu luật pháp gắn với hoạt động thể thao và được bà con nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Cách đây vài tháng, tôi phụ trách một sự kiện trong lĩnh vực du lịch và giao thông ở Vũng Tàu. Thật vui khi thư mời gửi tới các cơ quan đầu ngành đều được hồi âm khá hiệu quả, dù tôi chỉ sử dụng hầu hết các thông tin liên lạc sẵn có trên các trang thông tin điện tử chuyên ngành.
Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn húc đầu vào đá. Robert, một nhà đầu tư Mỹ nhờ tôi tìm thông tin về nhân khẩu và thống kê lao động tại các tỉnh thành để hoạch định chiến lược sản xuất đồ da. "Gửi cho tôi các thống kê càng sớm càng tốt nhé", anh nhắn. "Tưởng gì", tôi thầm nghĩ, đinh ninh đó là dữ liệu công cộng vì nó hết sức cơ bản. Tôi hào hứng lên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nhưng sau khi sục sạo lên xuống trong mục có tên rất kêu là "cung cấp - chia sẻ", loay hoay với đủ kiểu bảng biểu và nhẫn nại đọc gần hết 22 trang hướng dẫn cách truy xuất thông tin, tôi bắt đầu nản chí. Cuối cùng, một dòng chữ hiện ra lạnh lùng: "Người dùng chỉ xuất số liệu được khi Admin cấp tài khoản". Tôi mới ngã ngửa rằng mình phải đăng ký và đăng nhập - một cách rất rối rắm - để có thể tiếp cận số liệu ấy. Không đủ kiên nhẫn để tiếp tục tìm hiểu "Admin" là ai và làm sao liên hệ được với họ, sau khi đăng ký thì có chắc đọc được số liệu không, tôi cẩn thận tra lại Luật Tiếp cận thông tin. Sự phức tạp và bí hiểm của cổng thông tin này hoàn toàn ngược với tinh thần của Luật bởi thông tin thống kê và cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực đều thuộc danh mục phải công khai.
Khi sang thăm Việt Nam năm 2009, được hỏi về kinh nghiệm soạn thảo Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin, Bộ trưởng Tư pháp Anh, Jack Straw, đã viện dẫn tục ngữ: "Bánh có ngon phải ăn mới biết". Theo ông, chỉ thông qua cách luật pháp thể hiện hiệu lực, cách công dân cảm nhận được quyền lực của luật pháp mới có thể đánh giá được liệu chính sách đưa ra thất bại hay thành công.
Giờ đây, chiếc bánh Luật Tiếp cận thông tin đã được bày lên mâm. Nhưng ngay cả những lúc cộng đồng hoang mang nhất về an toàn sức khỏe và tương lai của họ, không ai mặn mà sử dụng lá phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Hoặc cũng có thể, rất nhiều người chưa ý thức được sự tồn tại của lá phiếu này.
Ứng xử của nhà chức trách có thể sẽ khác đi nếu như nhiều công dân cùng bắt tay vào thực thi quyền được tiếp cận thông tin theo luật định, thay vì đăng một cái "tút" phàn nàn, trông chờ hiệu ứng của mạng xã hội hoặc sự năng động của báo chí. Một cái chạm "like", "share" luôn dễ hơn thảo một lá đơn, viết email gửi cơ quan công quyền. Nhưng đó là động tác khởi đầu rất cần thiết của một hành trình, có thể rất dài, giúp chúng ta xây dựng thói quen của những công dân chủ động, hiểu biết và tự tin khai thác những bộ luật hữu ích.
Cẩm Hà