Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 23/1 thông báo Mỹ đã gửi hơn 80 tấn vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho nước này, lưu ý "đây không phải đợt hàng cuối cùng".
Trước đó hai ngày, Mỹ cũng gửi khoảng 91 tấn hàng hỗ trợ an ninh tới Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước cho phép Estonia, Latvia và Litva chuyển nhiều vũ khí do Mỹ chế tạo cho Ukraine, trong đó có tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.
Cơ quan này cũng duyệt chuyển giao 5 trực thăng Mi-17 thuộc sở hữu của không quân Afghanistan trước đây cho lực lượng vũ trang Ukraine. Hàng loạt vận tải cơ Anh đã đưa hơn 1.000 tên lửa chống tăng vác vai NLAW đến Ukraine.
Theo giới quan sát, Mỹ và các đồng minh NATO dường như tin tưởng rằng hoạt động hỗ trợ vũ khí quy mô lớn cho Ukraine sẽ thay đổi tính toán của Nga, ngăn Moskva mở chiến dịch quân sự nhằm vào quốc gia láng giềng. Họ cho rằng loạt vũ khí hiện đại sẽ gây thách thức không nhỏ cho Nga trong xung đột, buộc nước này từ bỏ phương án quân sự hoặc đối mặt với thiệt hại lớn nếu động binh.
"Những luận điểm này thiếu sức thuyết phục. Điều đó không có nghĩa là phương Tây nên ngừng hợp tác an ninh với Kiev, nhưng phải nhìn nhận rằng viện trợ quân sự không phải phương án hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng này", Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức RAND có trụ sở tại Mỹ, viết trên tờ Foreign Policy.
Đức dường như cũng có quan điểm như vậy. Berlin thông báo sẽ hỗ trợ một bệnh viện dã chiến cho Kiev, nhưng kiên quyết từ chối cung cấp vũ khí và không cấp giấy phép xuất khẩu để Estonia chuyển lựu pháo D-30 cho Ukraine, với lý do điều này sẽ không giúp làm giảm căng thẳng tình hình.
Mỹ đã viện trợ quân sự 2,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột tại vùng ly khai Donbass ở miền đông nước này. Các gói hỗ trợ gồm huấn luyện quân nhân, một số hệ thống phòng thủ như radar phản pháo và gần đây là tên lửa chống tăng Javelin.
Mục tiêu của những gói viện trợ quân sự này là cải thiện năng lực tác chiến của quân đội Ukraine trong xung đột với dân quân ly khai ở miền đông, lực lượng chủ yếu được trang bị vũ khí bộ binh cùng một số xe tăng thiết giáp và pháo thời Liên Xô. Ukraine và phương Tây từng nhiều lần cáo buộc Nga điều quân cùng vũ khí hỗ trợ lực lượng ly khai, nhưng Điện Kremlin phủ nhận.
"Điều quan trọng là quân đội Ukraine chưa từng đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang chính quy của Nga tại Donbass. Chính Kiev từng thừa nhận phần lớn dân quân ly khai là người địa phương, không phải quân nhân Nga. Những đơn vị và khí tài nổi bật của Nga, như không quân, tên lửa đạn đạo và hành trình, đều chưa bao giờ tham chiến ở đây, ngay cả khi họ đã thử lửa tại Syria từ lâu", Boston nói.
Hoạt động dàn quân ở biên giới của Nga cho thấy nếu chiến tranh tổng lực bùng phát, tình hình sẽ khác xa thế cầm cự suốt 8 năm qua ở miền đông Ukraine. Nga có khả năng thực hiện chiến dịch tiến công hiệp đồng quy mô lớn với hàng chục nghìn binh sĩ, hàng nghìn xe tăng thiết giáp và hàng trăm máy bay.
Nếu quyết định tấn công, Nga sẽ bắt đầu với đòn không kích áp đảo từ nhiều hướng, phá hủy các cơ sở chỉ huy, sân bay, cảng biển và đầu mối hậu cần. Lực lượng Kiev sẽ bị bao vây từ ba hướng ngay từ những phút đầu, khi quân đội Nga triển khai từ biên giới phía đông Ukraine, Biển Đen ở phía nam và cả Belarus ở phía bắc, địa điểm chỉ cách thủ đô Kiev hơn 100 km.
"Chiến tranh tổng lực sẽ rất khác với xung đột chiến hào hiện nay, nó cũng xóa bỏ lý do hàng đầu để Mỹ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine là 'để răn đe Nga". Quân đội Ukraine được xây dựng để đối phó dân quân Donbass và không gây mối đe dọa với Nga, nên Mỹ có cung cấp thêm bao nhiêu vũ khí cũng không thay đổi được điều này", Boston nhấn mạnh.
Nếu Nga sẵn sàng mở một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào quốc gia rộng thứ hai châu Âu với dân số hơn 40 triệu người, họ ít có khả năng chùn bước trước vài lô vũ khí bộ binh được viện trợ từ Mỹ.
"Những vũ khí hạng nặng có thể thay đổi tính toán của Nga, như tên lửa phòng không tầm xa và chiến đấu cơ, sẽ không nằm trong danh mục được Mỹ chuyển cho Ukraine. Chính quyền Kiev cũng không thể mua, tiếp nhận và đưa chúng vào biên chế trong thời gian tới, chưa nói đến huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành thuần thục để thay đổi cục diện cuộc chiến. Các vũ khí cỡ lớn, hiện đại đòi hỏi quá trình huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật rất sâu rộng", Boston nhận xét.
Nếu các biện pháp răn đe thất bại và chiến sự bùng phát, quân đội Ukraine sẽ rơi vào thế ngặt ngèo. Họ không có đủ lực lượng đối phó với ba hướng tấn công của Nga, phải chọn giữa phòng thủ một số cứ điểm cố định và từ bỏ kiểm soát nhiều khu vực, hoặc liên tục cơ động để tập kích đối phương.
"Donbass sẽ chỉ là một trong nhiều mặt trận. Thế trận phòng thủ của Ukraine rất giống phòng tuyến Maginot xây dựng trước Thế chiến II. Nó được chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực diện, nhưng điều đó sẽ không bao giờ diễn ra, khi đối phương sở hữu không quân vượt trội và bộ binh có sức cơ động cao, hoàn toàn có thể vòng tránh phòng tuyến", Samuel Charap, nhà khoa học chính trị tại RAND, nêu quan điểm.
Diện tích lớn của Ukraine mang lại lợi thế lớn cho quân đội Nga, khi lực lượng này được huấn luyện tốt và đủ khả năng thực hiện các chiến dịch cơ động với sự yểm trợ của không quân. Nga cũng liên tục thực hành trinh sát, tiến công tầm xa trong diễn tập và thực chiến ở Syria. Phần lớn lực lượng vũ trang Ukraine vẫn vận hành các hệ thống vũ khí thời Liên Xô, vốn đã quá quen thuộc với Nga và có thể dễ dàng bị khai thác điểm yếu trong xung đột.
"Cán cân quân sự giữa Nga và Ukraine quá chênh lệch, đến mức viện trợ quân sự của Mỹ trong vài tuần tới gần như vô nghĩa nếu xung đột nổ ra. Điều này khiến lý do Washington giúp Kiev thay đổi kết cục cuộc chiến cũng không có cơ sở", Boston nhận định.
Vũ Anh (Theo Foreign Policy)