Tại Ngày hội IELTS 2019 do Hội đồng Anh và VTV7 tổ chức hôm 22/9 ở Hà Nội, anh Vũ Hải Đăng (9.0 Writing) đã chia sẻ một số nguyên tắc và cách ôn tập cho người học muốn cải thiện điểm số tại kỹ năng này.
Lập dàn ý
Đây là bước không thể thiếu đối với phần Writing. Thí sinh nên lập dàn ý cho task 1 trong 3 phút, task 2 trong 5 phút. Việc lập dàn ý giúp người viết không quên ý và tuân thủ chặt chẽ bố cục ba phần.
Đối với task 1, người học nên áp dụng công thức "cao nhất", "thấp nhất" và "chênh lệch nhất" để nhận xét. "Dù loại biểu đồ nào, các bạn đều có thể rút ra được các yếu tố này để phân tích", anh Đăng nói.
Diễn giả khuyên thí sinh nên suy nghĩ bằng tiếng Việt khi lên ý tưởng, sau đó viết ra giấy bằng tiếng Anh. Mỗi luận điểm chỉ nên viết 1-2 từ khóa (key words) để tránh mất thời gian, không nên ôm đồm quá nhiều ý sẽ gây loãng bài.
Tốc độ
Từ kinh nghiệm cá nhân, anh Đăng cho rằng thí sinh nên làm lần lượt hết task 1 rồi đến task 2. Việc đảo vị trí có thể khiến người học chủ quan, dành nhiều thời gian cho task 2 hơn, khi gần hết giờ sẽ bị cuống chuyển sang làm task 1 dẫn đến việc cả hai phần đều không hoàn chỉnh và ưng ý.
Việc hoàn thành task 1 sẽ mang đến tâm lý thoải mái, giảm bớt lo lắng cho ứng viên khi bắt đầu chuyển sang task 2, bởi "dù không hay thì cũng vẫn là một bài hoàn chỉnh".
Đọc và viết phải song hành
Trong quá trình ôn tập Writing, để tích lũy thêm vốn từ vựng, anh Đăng nhấn mạnh vai trò song hành của việc đọc và viết. Người học sẽ không thể nhớ lâu được một từ nếu chỉ đọc nghĩa của nó. Học từ phải gắn vào văn cảnh thì mới hiểu và dùng được.
Trong khi nhiều người cho rằng nên đoán nghĩa của từ mới trong đoạn văn, diễn giả đạt 9.0 Writing cho rằng từ nào không hiểu thì nên tra từ điển. Đây cũng là cách anh áp dụng trong quá trình tự ôn thi IELTS. Có thể tra vài lần bạn chưa nhớ ngay được, nhưng việc tra từ điển nhiều lần sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Cùng với đó, những từ điển chất lượng như Cambridge còn có ví dụ minh họa giúp người học tham khảo được những cách dùng từ hay.
Một từ của tiếng Anh có rất nhiều nghĩa, anh Đăng khuyên người học không được chủ quan, mặc định rằng mình đã biết nghĩa của từ đó, dẫn đến việc phán đoán nghĩa của câu bị sai. Ví dụ "All soldiers save one were saved", nếu mặc định từ "save" trong câu này nghĩa là giải cứu hoặc lưu lại, người đọc sẽ cảm thấy lúng túng và không hiểu. Thực chất, từ "save" được dùng với nghĩa "except" (trừ ra) và câu này nghĩa là "Tất cả chiến sĩ trừ một người đều được cứu sống".
"Tra từ điển là vô cùng cần thiết, không chỉ để học thêm từ mới mà còn để học thêm nghĩa của một từ đã biết", anh Đăng nhấn mạnh.
Công thức 80%
Sau khi học hỏi được những cụm từ và cách diễn đạt hay từ các tài liệu, sách báo trong quá trình đọc hiểu, anh Đăng khuyên người học nên xây dựng cách dùng các cụm từ đó, ví dụ "You hold a place in my heart" (Bạn giữ một ví trí trong trái tim tôi).
Thí sinh cần sử dụng thành thạo các mẫu câu, khi đi thi chỉ cần thay các danh từ, đại từ nhân xưng để phù hợp với yêu cầu đề bài. Nếu đề thi hỏi về thành phố, bạn có thể "ứng biến" câu trên thành "Hanoi holds a place in my heart".
Việc sử dụng thành thạo mẫu câu sẵn có chiếm 80%, những gì người học thêm hoặc thay đổi chỉ chiếm 20%.
Kết hợp nhanh và chậm
Khi đặt bút làm bài, anh Đăng nhấn mạnh vào yếu tố tốc độ. Tuy nhiên, khi chữa bài, đây là việc làm rất mất thời gian, đòi hỏi bạn phải thật sự kiên nhẫn.
Anh Đăng chia sẻ, trong quá trình ôn thi IELTS, anh hầu như dành thời gian tự học, tự chữa bài cho mình chứ không có ai giúp đỡ và sửa bài viết hộ. Việc có người chấm và chữa bài rất tốt nhưng đôi khi có thể làm người học bị ảnh hưởng văn phong, cách dùng từ của người dạy và mất đi những ý tưởng của mình.
Để tự chấm, anh chia bài theo hai yếu tố là nội dung và ngữ pháp. Về phần nội dung, anh sẽ dịch bài viết ra tiếng Việt để xem cách triển khai luận điểm, dẫn chứng đã ổn và hay chưa. Khi diễn giải bằng tiếng Việt, người học có thể nảy ra thêm nhiều ý hay hơn những gì đã sử dụng trong bài viết. Đối với phần ngữ pháp, người học cần tra từ điển, kiểm tra xem những động từ, cụm từ có trong bài đang được sử dụng theo nghĩa và công thức nào.
Sau khi sửa chữa về nội dung và ngữ pháp, anh Đăng sẽ tìm kiếm trên Google những bài viết có nội dung tương tự với đề bài, đọc và tham khảo những ý và cách diễn đạt hay. "Chúng ta không nên tham vọng tự sửa được tất cả lỗi trong bài. Sau mỗi bài viết, người học tự chữa được khoảng 3 câu và học thêm được 2-3 từ, cụm từ mới là đạt chỉ tiêu", anh Đăng nói.
Thanh Hằng