Ngay khi đưa Kim Dung giữa đời tôi (gồm 4 cuốn Kiều Phong - Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Thanh kiếm và cây đàn) cho nhà xuất bản, anh cũng không hề gọi đó là bộ biên khảo, mà chỉ xem đây là suy tưởng riêng về những gì mình yêu thích.
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc biên dịch khi anh chưa hề được xem là một dịch giả?
- Tôi say mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung từ ngày còn học phổ thông và thường lén đi thuê. Đọc đi rồi đọc lại không biết bao nhiêu lần, chỉ biết rằng với tôi, các nhân vật đã trở nên quen đến thuộc lòng. Sau khi Kim Dung giữa đời tôi được phát hành, tôi đã gửi tặng tiểu thuyết gia lỗi lạc này một bộ. Khi đại diện Công ty Phương Nam sang Đài Loan trao đổi với Kim Dung tiên sinh về việc dịch và in lại những tác phẩm của ông, ông đã đề nghị tôi dịch lại Tiếu ngạo giang hồ. Cảm kích về sự quan tâm này, tôi bắt tay vào dịch với sự hỗ trợ đắc lực của hai cộng sự đã tốt nghiệp Khoa Hán Nôm Đại học Tổng hợp TP HCM.
- Nhưng tiểu thuyết của Kim Dung từng được dịch và xuất bản đầy đủ trước 1975. Phải chăng những bản dịch này có hạn chế?
- Tác phẩm của Kim Dung có tất cả 12 bộ, được viết từ năm 1960 đến 1973. Người dịch Tiếu ngạo giang hồ là Hàn Giang Nhạn. Tiểu thuyết này được đăng trên tờ Minh Báo (Hong Kong). Báo sang Việt Nam lúc nào thì Hàn Giang Nhạn dịch lúc ấy. Ông nửa ngồi nửa nằm trên trường kỷ, dịch bằng miệng. Ông đọc tới đâu, người thư ký ghi tới đó. Anh thư ký này viết bằng bút bi trên một chồng giấy có lót giấy than để phân phối một lúc cho 10 tờ nhật báo. Do viết như vậy nên có bản rõ bản mờ, 10 tờ báo đăng lên có khi cả 10 bản khác nhau. Ngay trong việc sáng tác, vì viết vội nên những bộ truyện Kim Dung ra mắt bạn đọc trong thời gian này còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Ví dụ như phần trước tác giả cho nhân vật Phí Bân chết, phần sau thấy sống lại; nhân vật Khúc Phi Yến bỗng dưng bị bỏ quên không nhắc đến...
Bản Tiếu ngạo giang hồ mà Kim Dung tiên sinh chuyển qua cho tôi dịch là bản được ông sửa chữa 18 lần, có đoạn cắt bỏ đến 4.000 chữ, thêm bớt đến 30% so với bản cũ. Bản mới này được ông in lại vào tháng 9/1997.
- Có ý kiến cho rằng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung kích thích bạo lực. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng Kim Dung thể hiện rất rõ ba nguồn tư tưởng lớn của phương Đông: Khổng, Phật, Lão. Vì vậy, tôi mong mình sẽ có thêm cơ hội dịch tiếp các tác phẩm khác như Thiên Long bát bộ và Ỷ thiên Đồ long ký. Công ty Phương Nam sắp phát hành lại Tiếu ngạo giang hồ và Anh hùng xạ điêu cũng là nằm trong ý đồ thử nghiệm để đo thị trường, dư luận và thị hiếu của công chúng với văn chương kiếm hiệp. Hiện nay, tôi chưa biết tình hình sách bán, song ngày đầu tiên phát hành (25/8) tôi đã ký đến 60 bộ.
(Theo NLĐ)