Harry Winston là hãng trang sức cao cấp của Mỹ và là nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, thành lập năm 1932; được coi là một trong những nhà sản xuất đồ trang sức uy tín nhất trên thế giới, nổi tiếng với việc bán những trang sức quý hiếm, độc lạ, siêu tinh xảo. Cửa hàng bán lẻ ở Paris tọa lạc trong một lâu đài tân cổ điển ở khu Tam giác Vàng sang trọng của đại lộ Champs-Élysées.
9h50 một ngày đầu tháng 10/2007, giám đốc xuất nhập khẩu Anne-Marie Capdeville đến, ra lệnh cho nhân viên bảo vệ mở lối vào bên hông. Họ đi qua tiền sảnh an toàn, tắt chuông báo động chung. Người bảo vệ để chìa khóa ở chỗ làm việc, sau đó vào nhà vệ sinh.
Anh ta thong thả đi ngang qua những tủ kính trưng bày bông tai hồng ngọc, vòng đeo tay bằng đá sapphire và đồng hồ bạch kim phủ đá lấp lánh. Với hệ thống báo động phức tạp bậc nhất Paris và đồn cảnh sát cách đó vài cánh cửa, không có lý do gì để người bảo vệ nghĩ rằng số nữ trang có thể bị đánh cắp, đặc biệt giữa ban ngày ở khu thượng lưu bậc nhất thế giới.
Trong khi đó, nữ giám đốc Capdeville bước lên cầu thang chính rộng rãi đến văn phòng của bà trên tầng ba mà không nhận ra rằng bốn người đàn ông có vũ trang đội mũ trùm kín mặt đang ẩn trong cầu thang. Chúng cúi mình sau cánh cửa đóng kín, nín thở.
Capdeville bước vào văn phòng. Khi cô ngồi xuống bàn làm việc, bốn tên lao tới, khống chế. Những tên cướp mang theo dùi cui và súng ngắn đã cải trang thành công nhân bảo trì tòa nhà trong bộ đồng phục trắng. Suốt những tuần qua, những người thợ sửa chữa trong trang phục thế này đã làm công tác cải tạo, bảo trì một số khu vực của tòa nhà.
Ghì đầu bà Capdeville xuống, nhóm cướp yêu cầu được biết có bao nhiêu nhân viên đang có mặt ở trụ sở này. Nữ giám đốc đáp: "Chỉ có một". Hai trong số những tên cướp đi tìm người này và bất ngờ tấn công người bảo vệ trong nhà vệ sinh, đánh vào đầu đủ mạnh để khiến anh ta sợ hãi song không bất tỉnh.
Hai người còn lại khiêng bà Capdeville đang sợ hãi xuống tầng dưới vào phòng vệ sinh. Để bà nằm úp mặt xuống sàn, trói tay, bọn cướp áp giải nhân viên bảo vệ về nơi làm việc và quan sát 3 nhân viên đang đậu xe, cùng nhau tiến vào tòa nhà.
Trong số này, hai nữ nhân viên bán hàng bị chúng túm tóc, kéo vào phòng vệ sinh, khám xét để đảm bảo không thể kêu cứu, rồi trói lại như bà Capdeville. Người còn lại, nam nhân viên quản lý Brichet, được dẫn lên cầu thang trung tâm với nòng súng trên cổ và bị ra lệnh mở két.
Trong cơn hoảng loạn, Brichet không thể nhớ được mật khẩu và lập tức bị gí súng mạnh hơn. "Marie nhớ, hãy để cô ấy giúp tôi", anh cầu xin.
Marie là một trong hai nữ nhân viên bán hàng. Cô sau đó được cởi trói và đưa lên tầng ba để nhập mật mã két sắt. Bọn cướp lập tức những món trang sức ra khỏi tủ trưng bày.
Một tên cướp áp giải Marie quay trở lại tầng dưới, qua những cổng vòm có cột đá cẩm thạch, đến một chiếc két sắt khác chứa đồng hồ, ra lệnh cho cô lấy những chiếc đồng hồ cơ tourbillon cho vào túi vải.
"Ê, Farid, không còn thời gian nữa! Không còn thời gian nữa!" một trong những tên trộm hét lên qua những chiếc mạt nạ trùm đầu. Chúng xịt hơi cay vào các con tin đang bị trói, lao qua lối ra phía sau vào chiếc xe tải nhỏ hiệu Peugeot. Máy quay an ninh đã quay cảnh chúng chạy trốn xuống Đại lộ Montaigne. Không món hàng nào trong số 480 vật phẩm xa xỉ, giá trị khoảng 37 triệu USD, bị cướp ngày hôm đó được tìm lại.
Nửa giờ sau, các nhân viên vừa khai với cảnh sát rằng ngoài cái tên Farid, họ còn tình cờ nghe một thành viên được gọi là Voldemort - một nhân vật trong Harry Potter.
Bọn tội phạm hầu như không để lại manh mối nào: Không có dấu vân tay, không có dấu vết ADN có thể nhận dạng.
"Để tấn công các tiệm kim hoàn cao cấp ở trung tâm Paris đòi hỏi phải có trình độ lập kế hoạch và kinh nghiệm. Nói tóm lại là một tổ chức", Tổng chưởng lý Pascal Fourré, người truy tố tội phạm có tổ chức tại Tòa cấp cao Paris, giải thích.
"Với những sự chuẩn bị liên quan, nó trông giống như công việc của những tên xã hội đen khét tiếng ở ngoại ô, hoặc vùng thu nhập thấp, bên ngoài Paris. Nếu không thì chỉ có thể là Les Pinks", ông đưa ra hai khả năng.
Les Pinks hay còn gọi là Pink Panthers - Báo hồng, một tổ chức ngầm chuyên trộm đồ trang sức, có thành viên chủ yếu đến từ vùng Balkan. Trong hai thập kỷ qua, Interpol ước tính chúng đã gây ra gần 400 vụ trộm cắp khét tiếng trên khắp thế giới, trị giá hàng trăm triệu USD.
Băng cướp được đặt biệt danh như vậy vào năm 2003, sau phi vụ cướp viên kim cương xanh 6 triệu USD và giấu trong lọ kem bôi mặt. Thủ thuật này bắt chước tình tiết trong bộ phim nổi tiếng Pink Panthers - Điệp vụ báo hồng.
Nhà chức trách nghi ngờ, liệu Pink Panthers có đứng sau vụ cướp lần này ở Harry Winston?
Tại hiện trường, cảnh sát thấy cầu thang được phủ đầy bột màu xanh lam. Bình chữa cháy đã được đổ khắp cầu thang để xóa dấu vết vì cả nhóm đã qua đêm ở đó. Điều này giống nội dung bộ phim tội phạm năm 1955 của Pháp, trong đó băng trộm cũng sử dụng bình chữa cháy để tắt chuông báo động của một cửa hàng trang sức cao cấp.
Băng cướp Pink Panthers nổi tiếng với việc luôn bắt chước mô típ một bộ phim điện ảnh nào đó. Dấu hiệu trên, càng khiến cảnh sát đổ dồn nghi ngờ cho họ.
Để hiểu được bản chất của Pink Panthers, việc nói chuyện trực tiếp với họ sẽ rất hữu ích. Một trong những thành viên sáng lập của băng đảng này là Pavle Stanimirovic, hiện "nghỉ hưu" đã sẵn sàng nói chuyện cởi mở với cảnh sát.
"Lĩnh vực chuyên môn" của ông ta bao gồm tắt chuông báo động, mở ổ khóa và mở các hầm chứa đầy đồ trang sức. Pavle Stanimirovic tuyên bố có thể phá két sắt trong vòng chưa đầy 16 giây. "Có lẽ tôi là người nhanh nhất thế giới. Tôi có thể tháo rời thế giới ra và lắp lại trước buổi chiều", ông nói.
Theo Stanimirovic, một số thành viên Pink Panthers từng đi chiến đấu ở các chiến trường khốc liệt. Và điều này giải thích vì sao một số vụ cướp được thực hiện kiểu "đánh đồn".
Tại Dubai, cùng năm 2007, các "báo hồng" đã lao hai chiếc Audi xuyên qua cửa kính của Graff, một cửa hàng nữ trang xa xỉ tương tự Harry Winston, trong trung tâm mua sắm sang trọng ở thành phố Wafi. Giữa đống kính nát vụn và khung cảnh tột cùng hoảng sợ của khách thượng lưu, nhóm cướp biết chính xác cần nhặt thứ gì giá trị nhất. Sau đó, chúng tẩu thoát, đốt xe Audi xóa dấu vết.
Cảnh sát nhận thấy các thành viên của nhóm cướp thường ăn mặc bảnh bao và "chiến lợi phẩm" các vụ sau thường lớn hơn vụ trước.
Theo "cựu báo hồng" Stanimirovic, Pink Panthers cũng biết cách tiêu thụ tang vật qua kênh an toàn. Bởi ngoài việc có thể truy xuất nguồn gốc trên thị trường mở, những món trang sức cao cấp như những món đồ do Harry Winston bán còn có giá "cắt cổ" đến mức người mua bị giới hạn trong một nhóm cực kỳ giàu có.
Số lượng chính xác và thành phần các thành viên của Pink Panther vẫn là bí ẩn. Các quan chức Pháp mô tả băng đảng này như một mạng nhện xuyên quốc gia.
Một điều tò mò về vụ Harry Winston là tòa nhà được trang bị radar cảm biến thể tích, nghĩa là bất kỳ chuyển động nào bên trong đều phải được phát hiện. Nhưng các nhà điều tra không thể tìm ra lý do tại sao các cảm biến không được kích hoạt.
Nửa đêm 8/2/2008, bốn tháng sau vụ cướp, cảnh sát phát hiện chiếc xe Renault Mégane vượt đèn đỏ ở khu vực Bobigny, đông bắc Paris, với tốc độ trên 120 km/giờ. Người đàn ông 42 tuổi say rượu, xưng tên Farid Allou, đến từ một xã lân cận ở vùng ngoại ô tên là Noisy-le-Sec.
Thấy đèn xanh của xe cánh sát qua gương chiếu hậu, anh ta cố đạp mạnh thêm chân ga. Cuộc rượt đuổi hơn 10 phút. Cuối cùng, khi đuổi kịp được, cảnh sát tìm thấy 40.000 euro trong túi anh ta.
Farid Allou nói vừa nhận được xấp tiền (tờ 500 và 200 euro) từ một người quen trong quán bar không nhớ tên. Do trên những tờ tiền này có dấu vết của heroin và cocaine, Allou bị bắt.
Allou là người Pháp gốc Algeria, đã sống trong tù nhiều năm. May mắn thay cho Allou, cảnh sát không có lý do gì để nghi ngờ anh ta là Farid, người đã bị đồng bọn gọi lộ tên trong vụ trộm cửa hàng trang sức Harry Winston. Song cảnh sát đã tịch thu 40.000 euro cho đến khi anh ta có thể cung cấp bằng chứng về việc đã lấy nó ở đâu. Song sai lầm của nhà chức trách là không bắt giam anh ta ngay lập tức.
Mười tháng sau, ngày 4/12/2008, cửa hàng Harry Winston lại bị "khoắng". Lần này số tài sản bị lấy đi trị giá 73,3 triệu USD. Truyền thông Pháp gọi vụ việc là le casse du siècle - vụ trộm thế kỷ.
17h20 hôm đó, một nhóm bốn người ăn mặc như phụ nữ, đẩy một chiếc vali đến trước cửa hàng Harry Winston. Nhân viên bảo vệ nhìn nhanh các "quý bà" với khăn lụa, tóc vàng dài mềm mượt, giày cao gót, tất chân thanh lịch, mỉm cười rồi cúi đầu mở cửa mời họ vào.
Một nhân viên chào đón bốn người và dẫn họ lên cầu thang chính. Khách hàng của Harry Winston thường xem qua các món đồ trong phòng khách dưới sự giám sát của nhân viên bảo vệ, những người sẽ báo cáo chuyển động của khách hàng tới bàn giám sát trung tâm thông qua micro cài áo. Bất cứ khi nào một hộp trưng bày được mở ra hoặc một viên ngọc được chạm vào, hành động đó sẽ được các nhân viên an ninh báo lại bằng lời nói một cách chính xác nhưng lặng lẽ.
Trong trường hợp này, 4 người khách đã yêu cầu đến được phòng bán hàng riêng, dành cho khách VIP. Nhưng lên được nửa cầu thang, 3 "quý bà" hiện nguyên hình là những gã đàn ông lực lưỡng, rút vũ khí, trong đó có một quả lựu đạn cầm tay.
"Không ai di chuyển nếu không tất cả tiêu đời", một tên hét lên, giơ khẩu súng Magnum xung quanh. Chúng xông vào văn phòng giám đốc, yêu cầu mọi người nằm úp mặt xuống đất. Một số nhân viên được lệnh tắt chuông báo động và mở tủ trưng bày. Suốt vụ cướp, 4 tên này đều gọi nhân viên bằng tên, thậm chí còn nêu rõ địa chỉ nhà và tên vợ chồng, cha mẹ con cái họ - một chiến thuật gây sợ hãi nhằm ngăn cản họ khai bất cứ điều gì cho cảnh sát.
Song bọn cướp còn có thông tin khác. Chúng biết một chiếc nhẫn kim cương 31 cara đã được giao vào hôm trước và nó đang ở ngăn bí mật dưới đáy két sắt chính. Chiếc nhẫn được đặt tên La Grosse Pierre, trị giá 8 triệu USD.
4 gã trùm đầu nhét chiến lợi phẩm vào chiếc vali của chúng, đe dọa nổ lựu đạn nếu có ai đi theo. Chúng tẩu thoát với 297 món nữ trang và 104 đồng hồ xa xỉ. Không có bảng giá trên bất kỳ món trang sức nào của Harry Winston, nhưng vụ này sớm được tiết lộ là đắt giá nhất trong lịch sử nước Pháp và chỉ mất 20 phút để thực hiện.
Độc giả click vào đây để đọc tiếp: Cuộc giăng bẫy 'những chú Báo hồng'
Hải Thư (Theo Daily Telegraph, LA Times, Vanity Fair, NYT)