Frida Ghitis, cựu phóng viên thế giới của CNN, người thường xuyên đóng góp bài viết cho CNN, Washington Post và Tạp chí Chính trị Thế giới, đã viết bài về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, đăng trên CNN hôm 15/4.
Lửa chồng chất lửa, lửa bùng lên phía sau mặt tiền quen thuộc của Nhà thờ Đức Bà, trái tim của Paris khiến cổ họng chúng ta nghẹn đắng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là nỗi đau của "tất cả những người Công giáo và người dân Pháp", nhưng sự thật là cả thế giới đang chung một nỗi đau khi chứng kiến toà nhà hơn 800 năm tuổi chìm trong biển lửa.
Có cảm giác như có một nhát dao đâm thẳng vào tâm hồn khi người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà cho hay "mọi thứ đang bùng cháy và sẽ không còn lại gì ngoài những khung sắt".
Trong lúc nhân loại bị chia rẽ bởi chính trị, tôn giáo và các giáo phái, bằng cách nào đó, đám cháy từ một nhà thờ Cơ đốc giáo ở Pháp đã xoá nhoà mọi sự thù địch và trong một khoảnh khắc, kéo mọi người lại gần nhau để cùng sẻ chia nỗi buồn này.
Vụ cháy lớn mang đến một cảm giác bất lực và gợi nhớ đến những gì từng bị tàn phá trong vụ khủng bố New York 11/9. Với một số người, nó còn giống như một điềm báo, dù là thực hay tưởng tượng, rằng chúng ta mới chỉ đang thấy một khúc dạo đầu hay một lời cảnh báo ẩn ý nào đó.
Tất nhiên, không có lời giải thích nào thoả đáng cho cơn phẫn nộ của hầu khắp thế giới vào ngày 11/9/2001. Và cũng không lời nào diễn tả hết nỗi buồn đau mất mát khi các toà nhà bị tàn phá có chủ ý trong vụ khủng bố. Nhưng Nhà thờ Đức Bà thì khác. Nhà thờ lớn và hùng vĩ khiến người ta có cảm giác như nó đã và sẽ luôn ở đó, mãi mãi trường tồn.
Nhưng chỉ trong chốc lát, Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta đang cùng chung một thế giới này, lịch sử loài người cũng có nghĩa là những con người trong quá khứ.
Chỉ trong chốc lát, khái niệm Di sản thế giới mà UNESCO công nhận nhắc nhở nhân loại rằng cần phải quan tâm và trân trọng những gì chúng ta có thể truyền lại cho thế hệ tương lai. Và tất cả chúng ta đều đã góp phần làm tổn hại và mất mát nhà thờ Đức Bà.
Người Pháp chắc hẳn cảm nhận nỗi mất mát này sâu sắc nhất. Họ gọi đó là 'Đức Mẹ của chúng tôi'. Nhưng sự thật đó là nỗi đau của tất cả mọi người, bất kể tôn giáo hay quốc tịch nào.
Nhà thờ Đức Bà đứng đó hơn 850 năm, chứng kiến và tham gia vào lịch sử. Chính dưới mái vòm cao vút đó năm 1804, Napoleon đã lên ngôi hoàng đế và kết hôn với hoàng hậu Josephine. Cũng tại nhà thờ này, không giống như những vương triều trước, Napoleon không để Giáo hoàng đội vương miện cho mình và tuyên bố không cần sự chấp thuận của giáo hội.
Cũng tại nhà thờ này năm 1558, trữ vương (người được lựa chọn để nối ngôi hoàng đế) nước Pháp Francis, 14 tuổi đã kết hôn với nữ hoàng Scotland Mary Queen, 15 tuổi. Và cũng chính Nhà thờ Đức Bà đã truyền cảm hứng để đại văn hào Victor Hugo viết nên tác phẩm 'Thằng gù nhà thờ Đức Bà'.
Đó là lịch sử nước Pháp, nhưng cũng là lịch sử của chúng ta. Nhà thờ Đức Bà "sống sót" qua thế chiến thứ nhất và thứ hai, rồi bị cháy trong thời đại hỗn loạn ngày nay.
Đó phải chăng là ngẫu nhiên? Một tai nạn đơn thuần? Chúng ta không biết ngọn lửa khởi nguồn từ đâu. Nhưng rất có thể, chúng ta đang được báo trước về một thảm hoạ.
Cảm giác đau đớn xâm chiếm chúng ta khi nhìn những ngọn lửa nuốt chửng những dầm, trụ cổ nhuốm màu thời gian, những cửa sổ hoa hồng huyền thoại, phá huỷ những đường ống không thể thay thế, khiến chúng ta liên tưởng đến những thảm kịch ở thành phố Nice, vụ thảm sát Bataclan.
Cho dù đây không phải là một cuộc tấn công khủng bố, thì thời đại mệt mỏi của chúng ta cũng đang bị chia rẽ bởi thù địch và chính chúng ta đang phá huỷ nền tảng văn minh của chính mình. Pháp gần đây xảy ra một loạt vụ tấn công và đốt phá nhà thờ, gia tăng đáng kể các cuộc tấn công biểu tình, bạo loạn chống người Do Thái.
Không có gì đáng ngạc nhiên là chẳng bao lâu nữa người ta có thể đặt ra các thuyết âm mưu hay đổ lỗi mà không có bằng chứng, thậm chí có cả toan tính chính trị. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhà thờ Đức Bà rực lửa đã mang cả thế giới lại gần nhau trong một nỗi buồn chung. Chỉ trong một khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy lịch sử thuộc về tất cả chúng ta và cùng tiếc thương cho một nỗi mất mát quá lớn.
Mai Lâm (Theo CNN)