Bao giờ là đúng lúc? là tự truyện của Vũ Cẩm Nhung, Phan Ý Yên chấp bút, phát hành ngày 4/10. Sách kể về cựu người mẫu từ lúc bé đến khi trưởng thành, lập gia đình và gặt hái thành công trong showbiz lẫn kinh doanh. Chị cho biết qua cuốn sách, hy vọng truyền cảm hứng sống tích cực cho những phụ nữ phải đối diện nhiều thách thức trong cuộc sống.
Nhân sách ra mắt, VnExpress trích đăng. Tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Hạnh phúc nhất là được làm mẹ
Tôi kết hôn vào năm 2002, khi đó đã 26 tuổi. Gần bốn năm sau vẫn chưa thấy tin vui gì dù chúng tôi dự định khoảng hai năm sau đám cưới là có con. Bạn bè người thân đa phần đều không có ý thúc giục nhưng cũng ít nhiều sốt ruột. Tôi bắt đầu đi khám. Khi ấy, tôi may mắn được gặp bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, con gái giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, là một bác sĩ nổi tiếng Việt Nam, người đầu tiên mang kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) về nước. Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, cũng là một trong những người góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ các nước mạnh về điều trị IVF với tỉ lệ thành công cao và ổn định. Bác sĩ khi ấy vô cùng lạc quan và tận tâm thực hiện cho tôi. Tin vui đến với cả gia đình: Tôi mang ba thai. Khi thai được bốn tuần, tôi ra máu khi đang ở công ty. Tôi lặng lẽ đi vào bệnh viện một mình. Tôi nằm ở Từ Dũ đúng một tháng sau đó. Vì sức khỏe không đủ sức sinh ba nên đành chỉ giữ lại hai.

Bìa sách "Bao giờ là đúng lúc" - Cựu người mẫu Vũ Cẩm Nhung. Chị sinh năm 1976, từng là người mẫu thế hệ đầu trong nước. Chị đoạt danh hiệu siêu mẫu châu Á tại cuộc thi ở đảo Guam - Mỹ tháng 11/1994. Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, người đẹp bỏ nghề người mẫu, khởi nghiệp kinh doanh.
Mang thai đến khoảng tháng thứ năm, một ngày tôi bắt đầu đau bụng nhẹ và tăng dần, tôi lên cơn đau bụng dữ dội vào chiều tối cùng ngày. Vào được đến bệnh viện lúc 8h tối thì bác sĩ xác nhận phải sinh non, con không thể giữ được nữa. Mọi điều diễn ra quá nhanh. Tôi ngay lập tức phải chuẩn bị cho sinh thường. Cô ý tá như đẩy tôi xa khỏi thế giới. Tôi với tay gào lên hỏi Nhật câu cuối một cách vô vọng: "Anh ơi, vậy là con em chết hả anh?". Nhật nhìn theo tôi xa dần, anh không nói một lời nào, ánh mắt nghiêm lại: "Em, trấn tĩnh lại đi!". Trong cơn đau, tôi nhớ lại từng chi tiết mẹ kể khi đau bụng sinh thường hai anh em tôi.
Từng lời kể của mẹ là thứ vũ khí cuối cùng tôi giành lấy để chiến đấu trong trận chiến đêm ấy. "Con ạ, người đàn bà khi sinh con như phải vượt biển đêm một mình". Tôi nói lớn lên cho chính tôi nghe rõ: "Nhung, không chịu khuất phục cơn đau này, Nhung, hãy chiến đấu đi, như mẹ đã từng sinh ra các con, như mẹ đã vượt biển đêm một mình... Nhung... nào!". Từng cơn đau, tôi vít ngược thanh sắt của giường, kéo xuống tưởng chừng nó sẽ cong ngược lại. Quanh tôi lúc đó là hai bà mẹ đang được gây mê sống lưng để chờ sinh con. "Đau quá, đau quá!" cô ấy rên lên khe khẽ. Bác sĩ, y tá chạy quanh tất tả. "Em bé gái, 3,2kg". Oe oe, một bé gái chào đời. Còn tôi vẫn ở đó, mải miết, cần mẫn với những cơn đau của mình, mỗi lúc mỗi tăng. Mỗi phút giây trôi qua dài như hàng thế kỷ.
Và bất ngờ đôi bàn tay ấm áp của ai đó bỗng xuất hiện như một tia sáng cuối đường hầm. Một chị y tá mới thay ca mà như thiên thần được người hướng dẫn của tôi cử tới, chị đặt một tấm khăn mềm lên tôi: "Em bình tâm em nhé, em hít vào thế này, em thở ra như thế này...". Chị giúp tôi ổn định nhịp thở, chị đã quăng cho tối chiếc phao trắng trong biển đêm. Sau này tôi không biết chị giờ ở đâu nhưng thật lòng mãi mãi biết ơn sự dịu dàng của chị dành cho mình đêm ấy. Khoảng 15 phút sau bác sĩ của tôi tới, đồng hồ chỉ khoảng hơn 11h đêm. "Con trai Nhung ơi, giống Nhật quá!". "Con gái Nhung ơi, mũi cao quá!". Ngay sau khi các y tá mang các con tôi đi, bác sĩ vẫn đang thao tác tiếp, Nhật được phép vào. Anh nắm tay tôi nhẹ nhàng. Câu đầu tiên tôi nói là: "Xin lỗi bố mẹ, xin lỗi anh, em không giữ được con chúng mình rồi nhưng em sẽ không bỏ cuộc!".
Và tôi không chịu bỏ cuộc thật. Sáu tháng sau, chúng tôi quyết định thử lại lần nữa tại Từ Dũ, không thành công. Tôi được giới thiệu qua Bangkok. Kết quả cấy lần đầu tại Bangkok thành công. Nhưng lần này để đảm bảo an toàn, tôi phải nằm trên giường, hạn chế mọi cử động dù là nhỏ nhất. Chúng tôi thuê căn hộ tại Bangkok. Tôi ở lại đây, làm việc qua máy tính... Nhưng đến cuối cùng, tôi vẫn lại mất con...
Suốt chín năm trời, tôi là người phụ nữ cứ nằm xuống rồi lại đứng lên từ giường bệnh, vào ra phòng cấp cứu như cơm bữa. Chín năm trời, tôi không còn nhớ rõ nữa cơ thể mình đã đón nhận bao nhiêu mũi tiêm, bao nhiêu cơn sốt co giật nóng lạnh để liên tục tiến hành 20 lần IVF, rồi bị sinh non và sẩy thai. Tôi vẫn nhắc lại tôi lời mẹ nói: Phụ nữ sinh con giống như vượt biển đêm một mình, vừa hiểm nguy lại vừa đơn độc. Nhưng chính vì tôi chưa bao giờ thôi hy vọng vào một buổi sáng rực rỡ được cập bến bình yên, nên tôi cứ lầm lũi kiên định tiến về phía trước.
Chín năm nỗ lực ấy, có những lần tôi ngồi một mình trong nhà bất chợt cô đặc, không hiểu các con của mình đang ở đâu, có nghe trái tim tôi nức nở không. Tôi từng không hiểu tại sao mình lại giống như một cái cây trơ trụi chẳng thể ra hoa rồi kết trái. Tôi muốn được làm mẹ. Tôi muốn được nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên hạnh phúc và đủ đầy tình yêu thương như cách mà bố mẹ tôi đã dành cho tôi. Nhưng cuộc đời sao cứ thách thức tôi mãi thế? Nghiệt ngã với tôi mãi thế?.
Ngày 21/6/2011, Nam Anh ra đời. Cậu con trai nhỏ của chúng tôi. Thiên thần nhỏ bướng bỉnh của chúng tôi, đứa trẻ mang trong mình không chỉ tình yêu của cả nhà mà còn là thành quả của cả một hành trình vất vả. 29/11/2017, chúng tôi có thêm công chúa Vi Anh. Cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được biển đêm mà nhìn thấy chân trời bừng sáng. Trái ngọt này có được thật chẳng dễ dàng gì nên những tiếng gọi "Mẹ ơi!" đầu tiên tôi nghe thấy, tôi biết đã sống một cuộc sống thật quá xứng đáng. Những đứa trẻ ra đời, dù khó khăn là thế nhưng với tôi chúng không phải là kỳ vọng để tôi gửi gắm bất kỳ thứ gì từ mình. Mà ngược lại, mỗi một ngày nhìn thấy chúng, tôi lại học thêm biết bao điều.

Gia đình Vũ Cẩm Nhung. Ảnh: VCN.
Nam Anh nghịch ngợm, nhưng nồng nhiệt tình cảm. Vi Anh nhõng nhẽo, yểu điệu mà lanh lợi thông minh. Cách chúng tiếp nhận thế giới và phản ứng dạy tôi về những bản ngã ban sơ nhất, chân thật nhất của con người. Nhìn con là nhìn thấy cả một bầu trời trong lành nhất, tha thiết nhất, bình an nhất. Thế nhưng, hạnh phúc tuyệt vời hơn nữa mà tôi được ban tặng chính là nhìn thấy chồng mình, bố mẹ mình viên mãn ra sao bên cạnh những đứa trẻ. Ngôi nhà lúc nào cũng ngập tràn những bữa tiệc vui đùa, ngập tràn những âm thanh đa sắc. Chúng tôi dành cho nhau nhiều thời gian hơn, ngóng chờ được quay về với tổ ấm hơn sau mỗi ngày làm việc vất vả và quan trọng hơn hết cả, chúng tôi gắn kết hơn, thành một thể thống nhất vững chãi bất khả xâm phạm.
Vũ Cẩm Nhung tập yoga giữ vóc dáng ở tuổi 43. Video: Tâm Giao - Hoàng Thanh.
Còn tiếp...