- Thưa ông, vụ án Năm Cam hồi năm 1995 nghiêm trọng đến mức nào mà chính Thủ tướng Chính phủ phải tham gia?
- Những tài liệu gửi đến cho tôi bước đầu cho thấy đây là một băng nhóm tội phạm cực kỳ nguy hiểm, làm tha thóa cả một bộ phận cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Năm Cam từng có tiền án, tiền sự từ trước 1975, tới lúc đó hắn lại ngóc đầu dậy tạo dựng một tổ chức quấy rối trật tự an ninh xã hội. Làm Thủ tướng là phải lo chuyện làm ăn kinh tế, bang giao... nhưng cũng không thể để cho cuộc sống an lành của dân bị tổn hại.
- Lúc đó có ý kiến e ngại việc bắt giữ Năm Cam là chưa đúng luật. Ông có biết không?
- Tôi từng nói với anh em: Tôi nhân danh Thủ tướng, bảo đảm với các đồng chí những tài liệu tôi được cung cấp là do một số cơ quan chức năng đã dày công điều tra, theo dõi những hành vi vi phạm pháp luật của Năm Cam từ trong quá khứ đến hiện nay. Đó là những tài liệu hoàn toàn tin cậy được. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải tiếp tục làm rõ thêm các chứng cứ.
Tôi có nhận được tin VKSND Tối cao cho rằng, những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra là thiếu cơ sở. Theo luật định, VKS có thẩm quyền đó. Nhưng cơ quan điều tra cũng có quyền của mình chứ. Chứng cứ cao nhất là sự thực. Cơ quan điều tra phải tìm ra và chứng minh bằng được sự thực đó. Nếu có mắc mớ gì thì phải báo cáo và có thể báo cáo tới Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Chúng ta sẽ rà soát, đối chiếu lại từng vấn đề để đánh giá sự việc một cách khách quan trên cơ sở các chứng cứ. Chúng ta không vội vàng, võ đoán, nhưng cũng không thể chấp nhận việc làm trái thẩm quyền của bất kỳ cơ quan nào, công an cũng như kiểm sát.
- Sau khi VKSND Tối cao có Công văn số 1333 kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo với Trương Văn Cam, Bộ Nội vụ đã có văn bản phúc đáp khẳng định không có căn cứ để hủy bỏ. Văn bản này do một thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Nội vụ ký gửi cả Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ để báo cáo. Ông có biết việc này không?
- Tôi không nhận được công văn này. Đáng tiếc là tôi không biết điều đó.
- Hồi đó, sau khi Năm Cam bị bắt thì cả Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ và Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trịnh Thanh Thiệp, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện chuyên án, đều nghỉ hưu. Việc này có bình thường không?
- Tôi nghĩ là bình thường, do tuổi tác thôi. Trước đó, anh Ba Ngộ (Bùi Thiện Ngộ) đã xin không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng để chuẩn bị nghỉ hưu.
- Nhưng việc đó ảnh hưởng đến quá trình làm án?
- Tất nhiên cũng có ảnh hưởng phần nào, nhưng không cơ bản lắm. Công việc bao giờ cũng có tính kế thừa. Các đồng chí nhận bàn giao đã tiếp tục công việc còn dang dở. Việc bắt Năm Cam và đồng bọn vừa qua đã cho thấy điều đó. Một số khúc mắc đã được rút kinh nghiệm.
Vụ án này, trước đây tôi đã trao đổi với các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh. Còn bây giờ có cả chỉ thị của Bộ Chính trị, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, của cả bộ máy. Đã có sự kết hợp, thống nhất của các ngành trong khối nội chính, lại có sự ủng hộ của báo chí, đặc biệt là phong trào quần chúng. Thực tế, Năm Cam và những tay chân thân tín của y đã bị bắt, một số cán bộ thoái hóa bị đình chỉ công tác để điều tra làm rõ... Việc này làm người dân tin tưởng, cung cấp cho Ban chuyên án nhiều thông tin quý giá.
- Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý Năm Cam hồi đó?
- Chúng ta đang trong quá trình xây dựng pháp quyền nên không thể tránh khỏi việc luật pháp còn có kẽ hở, hay có những điều không còn phù hợp. Nhưng áp dụng luật phải uyển chuyển. Năm Cam là tên tội phạm xảo quyệt, mạng lưới tội phạm y xây dựng khá hoàn hảo, tác oai, tác quái trong thành phố, làm tha hóa, biến chất một số cán bộ. Việc xử lý những hành vi phạm tội của y phải khác với chuyện một người dân do không am hiểu pháp luật mà nhất thời phạm tội. Phải coi Năm Cam là đối tượng cần nghiêm trị. Áp dụng luật như thế mới đúng đắn.
Đáng lý hắn phải bị khởi tố từ năm 1995 và như thế thì chúng ta đã tránh được được rất nhiều tổn thất. Vì từ khi được tha, Năm Cam và tổ chức tội phạm của hắn đã gây nên nhiều tội ác, làm tha hóa nhiều cán bộ, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống yên bình của người dân.
- Về vai trò của báo chí trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, theo ông khi nhận được thông tin, báo chí nên xử lý như thế nào?
- Công luận là một cây cầu nối giữa dân với Nhà nước, với Đảng. Việc xử lý đơn thư của công dân có nhiều cách. Đơn giản nhất là chuyển cho các cơ quan chức năng. Điều khó khăn, nhưng lại cần thiết, hiệu quả hơn là cử phóng viên tiếp cận người khiếu nại, tố cáo; đến với người dân trong khu vực, với cơ quan chức năng để tìm hiểu sự thực. Khi đã có chính kiến dựa trên kết quả thông tin thu thập được, có thể đăng báo, hay gửi các cơ quan chức năng.
(Theo Tiền Phong)