Chiều 23/5/1996, trong Tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc, một đội doanh nhân cổ cồn trắng, giày cao gót hối hả với những công việc cuối ngày, đếm ngược thời gian chờ giờ tan làm. Ngay khi đồng hồ điểm 18h, họ đổ ra thang máy, đi nhanh ra ga tàu điện về nhà. Trong số này có Lý Trạch Cự, nhưng anh đi hướng ngược lại.
Tại bãi đậu xe riêng, Cự bước vào ghế sau của chiếc ôtô có giá gấp 100 lần thu nhập năm của người lao động bình thường. Cự không chỉ là chủ một ngân hàng, anh còn là con trai cả của tỷ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hong Kong khi đó.
Tài xế bắt đầu lái xe về dinh thự của gia đình trên đường Deep Water Bay trong khi Cự chìm vào giấc ngủ thư thái.
Giấc ngủ yên bình của thiếu gia bị gián đoạn khi chiếc xe phía trước đột ngột phanh gấp, buộc tài xế của anh phải dừng xe khẩn cấp. Cự bị đánh thức với một cú phanh gắt. Sự tức giận của Lý thiếu gia nhanh chóng bị thế chỗ bởi nỗi sợ hãi khi đám người lạ cầm AK47 nhảy xuống từ ba chiếc xe, áp sát và liên tục đập vào cửa xe anh.
Thủ lĩnh nhóm cướp nhận ra cửa xe đã bị khóa nên từ từ vác súng vòng ra trước mũi xe của Cự, chĩa nòng súng vào mặt tài xế rồi rành rọt ra lệnh: Mở cửa. Ngay!
Người lái xe do dự, hóa đá vì sợ hãi. Kẻ tấn công ngày càng mất kiên nhẫn và giận dữ, vung khẩu súng và nã một phát đạn xuyên qua kính chắn gió trúng vào ghế phụ rồi hét lên: "Tao bảo là mở ngay".
Tài xế run rẩy làm theo. Cả nhóm côn đồ lôi Lý thiếu gia khỏi ghế, trói chân tay và vứt vào thùng xe. Gã cầm đầu quay lại, xin lỗi tài xế riêng vì đã làm ông ta sợ hãi và yêu cầu một giờ sau mới được hé răng về vụ bắt cóc. Chúng sau đó lên xe, hòa vào dòng người tấp nập lúc chập choạng tối.
Thiếu gia Cự khi này vẫn ở trong cốp xe, cố gắng di chuyển xung quanh không gian chật hẹp, dò dẫm trong bóng tối, tuyệt vọng để tìm một gờ nào đó để mở cốp, nhưng vô ích. Anh mệt lử và tuyệt vọng, bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi sẽ bị giết hại.
Chiếc xe bỗng rẽ ngoặt, bước vào một đoạn đường gập ghềnh hơn nhiều và cuối cùng dừng lại. Anh nghe thấy bốn cánh cửa xe đóng mở, tiếng lách cách nghẹt thở, và tiếng bước chân chạy loạn xạ xung quanh anh.
Đột nhiên ánh sáng chói mắt rọi vào khi cốp xe bị bung ra. Cự bị đám người lôi khỏi xe và vứt lên thùng chiếc xe tải chở hàng. Cửa thùng xe đóng lại, anh bị bịt miệng, mắt, trói tay ra sau lưng bằng dây thừng và nghe rõ lời trấn an lạ lùng: "Nghe này chàng trai giàu có. Chúng tôi chỉ muốn tiền của bố cậu? Vì vậy, hãy là cậu bé ngoan và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng cậu sẽ trở lại với bố với tất cả chân tay còn nguyên vẹn, ok?"
Ngày hôm sau, kẻ cầm đầu băng bắt cóc thức dậy sớm, giắt lưng một khẩu súng lục TT-33 của Liên Xô, quấn một cục thuốc nổ nặng 2 kg vào ngực áo rồi thẳng tiến đến dinh thự của tỷ phú Lý Gia Thành tại khu Deep Water Bay.
Tại đây, hắn được chào đón nồng nhiệt, từ chối uống trà và được đưa thẳng đến văn phòng của ông Lý Gia Thành. Hắn chìa cho người cha xem ảnh con trai bị trói rồi phanh ngực áo khoác để lộ quả bom và nói: "Nếu lão muốn mình và cả gia đình toàn thây, cái giá là một tỷ HKD tiền mặt (127 triệu USD). Lão giở trò là tôi giật kíp nổ".
Đáng ngạc nhiên, ông Lý không cố gắng thương lượng mà ngay lập tức, bình tĩnh đồng ý với các điều khoản của hắn.
Bản thân kẻ bắt cóc cũng nhận thấy sự bình tĩnh của ông Lý rất kỳ lạ, nên hỏi ông, sao có thể giữ phong thái như mặt hồ mùa thu vậy. Ông Lý mỉm cười nói: "Bởi vì lần này là lỗi của tôi. Tôi có tiếng tăm vậy ở Hong Kong nhưng tôi không đề phòng chút nào. Ví dụ, tôi hay đi tắm biển vào sáng sớm, tôi sẽ tự lái xe đến Tân Giới lúc 5h sáng. Vài chiếc xe có thể vây quanh tôi trên đường và tôi chẳng có biện pháp đề phòng nào. Tôi thực sự cần phải cẩn thận hơn, và anh đã cho tôi nhận ra điều này".
Mặc dù sẵn sàng làm theo yêu cầu, ông Lý Gia Thành không có một tỷ đô trong nhà. Vì vậy, ông đề nghị trả ngay 40 triệu và sau đó sẽ đi rút và gửi ngay hôm sau.
Song kẻ bắt cóc đưa ra lời đề nghị ngược lại. Hắn là người rất mê tín, và do số bốn được xem là không may mắn trong văn hóa Trung Quốc, hắn cho ông Lý giữ lại 2 triệu, sẽ chỉ mang đi 38 triệu. Nhưng vì hắn cho ông Lý "khất" một ngày, nên ông Lý phải trả hắn thêm, nâng tổng tiền lên 1,038 tỷ HKD. Ông Lý đồng ý và thân tình tiễn ra tận cổng nhà.
Ngày hôm sau, ông Lý nhận được cuộc gọi từ kẻ bắt cóc: "Ông chuẩn bị đủ tiền rồi đúng không? Tốt. Hôm nay chúng tôi sẽ đến nhà ông trên chiếc Toyota Corolla màu xanh lam. Một người nhà ông sẽ ra ngoài để thực hiện cuộc trao đổi, ông hay ai thì tùy. Nhưng nếu tôi nhìn thấy hai người trở lên, thỏa thuận sẽ kết thúc. Nếu tôi thấy bất kỳ gã cảnh sát nào, chúng tôi sẽ giết con trai ông và cả nhà ông trước khi cảnh sát hạ gục chúng tôi, hiểu chưa?".
Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Đúng như giao kèo, nhóm bắt cóc đã đến dinh thự nhà họ Lý. Sau cuộc trao đổi thân mật và nhanh nhẹn đáng ngạc nhiên, đám bắt cóc vác tiền đi, còn Lý thiếu gia được về nhà.
Nhà họ Lý lại trở về với cuộc sống bình thường. Ông Lý hạnh phúc khi con trai của mình trở về bình an vô sự, dù tiền bạc đã ra đi. Sự căng thẳng và lo lắng tột độ trước đó đã được thay thế bằng không ý yên bình, hạnh phúc. Và tất nhiên, ông Lý tăng cường một đội bảo vệ hùng hậu cho tất cả thành viên gia đình.
Tuy nhiên, sự yên bình này nhanh chóng sụp đổ khi vài tuần sau, một cuộc gọi được chuyển đến văn phòng của ông, và một giọng nói quen thuộc đến ám ảnh vang lên ở đầu dây bên kia. Đó là kẻ bắt cóc.
"Anh gọi cho tôi có việc gì thế?", ông Lý hỏi, giọng thân tình.
"Ông Lý à, ông dạy tôi cách đầu tư tiền số tiền chuộc này thế nào đi", đầu dây bên kia ngập ngừng.
Ông Lý khẽ thở nhẹ nhõm, tan biến mọi lo lắng trước đó, trả lời: "Tôi e rằng tôi không có câu trả lời. Tôi có thể dạy anh trở thành một người đàn ông tốt nhưng có vẻ anh không hứng thú cho lắm. Nên là anh chỉ có một con đường, hãy cao chạy xa bay, nếu không cái kết của anh sẽ không có hậu lắm đâu".
Ông Lý không biết lai lịch kẻ bắt cóc nhưng ông đã nhìn rất đúng đường đời của hắn.
Trương Tử Cường sinh năm 1955 trong gia đình nông dân nghèo ở vùng núi Triệu Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Em gái Cường thậm chí đã chết vì đói. Cuối cùng, cả gia đình tìm đến Hong Kong mong đổi đời, định cư ở Causeway Bay.
Cường là học sinh giỏi và chăm chỉ ở trường, nhưng thường xuyên bị bắt nạt và quấy rối vì là một người nhập cư mới đến từ đại lục. Cường nhận ra, cách để không bị bắt nạt, là đi bắt nạt kẻ khác. Hắn nhanh chóng trở thành lãnh đạo của băng đảng hổ báo nhất trường.
Cha của Cường ba đời nghèo khó, không được học hành bài bản. May mắn thay, tình cờ ông có hiểu biết sơ qua y học cổ truyền Trung Quốc, nên đã mở một cửa hàng dược liệu, xổ số và một vài việc buôn lậu vặt khác để có tiền nuôi vợ con trên đất khách.
Cuộc sống của gia đình bắt đầu đỡ nhọc nhằn. Cường bỏ học khi 11 tuổi để giúp cha điều hành công việc kinh doanh. Cường hấp thụ nốt phần "giáo dục" còn thiếu ở trường qua con đường tiếp xúc với tất cả các loại tệ nạn và hư hỏng trên đường phố Waterloo của bán đảo Cửu Long.
Cường bị bắt lần đầu tiên vào năm 12 tuổi vì móc túi, và đến năm 16 tuổi đã là thành viên Hội Tam Hoàng 14K. Từ 12 đến 20 tuổi, Cường bị bắt khoảng 20 lần vì tội hành hung, trộm cắp, cướp giật...
Cha mẹ Cường cố kéo con trai lại con đường tử tế, gửi gắm vào học may tại một tiệm của đồng hương, cách đó vài con phố. Cường sáng dạ, khéo tay, làm việc miệt mài đáng ngạc nhiên. Tiếp xúc với khách hàng giàu có, Cường bắt đầu nuôi mộng, học thêm tiếng Anh và tiết kiệm tiền để mở tiệm may ở khu thượng lưu, Mid-Levels, nơi sinh sống của những người nước ngoài giàu có và tinh hoa Hong Kong.
Cường lấy vợ, tu chí làm ăn nhưng nhận thấy cuộc sống của mình còn quá xa với những người giàu có mình đang phục vụ.
Một ngày cuối năm 1989, một người bạn cũ trong hội Tam Hoàng đến thăm Cường và rủ rỉ: "Muốn giàu nhanh, tay cậu phải nhuốm máu. Bọn tớ cũng làm việc chăm chỉ thận trọng như thợ may các cậu, có điều, bọn tớ kiếm tiền nhiều hơn cậu rất rất nhiều".
Trái tim lương thiện của Cường bị những lời này tác động mạnh mẽ. Không lâu sau, tay Cường đã không còn cầm thước dây, phấn vẽ mà trở về với súng, đao và những vụ trộm cướp long trời lở đất, nổi danh trong giới tội phạm toàn châu Á, được suy tôn "Tướng cướp thế kỷ" và trở thành cái ung nhọt khó trị trong mắt nhà chức trách.
Tháng 9/1991, Cường bị bắt và bị tuyên 18 năm tù vì các vụ trộm xe bọc thép chở tiền ngân hàng song được trắng án tháng 6/1995 khi thẩm phán cho rằng các bằng chứng chống lại Cường có quá nhiều mâu thuẫn.
Câu nói nổi tiếng của Cường là: "Tôi không đủ kiên nhẫn để làm việc kiếm sống. Trên đời này, tiền là thứ quan trọng nhất".
Được tự do, Cường ngay lập tức lao vào những phi vụ mới, lần này chuyển chiến thuật sang điều dễ dàng hơn nhiều: Hong Kong là đất giàu có nhất trên trái đất, với đầy rẫy các tỷ phú. Chỉ cần bắt cóc họ và con cái để đòi tiền chuộc.
Một năm sau vụ bắt cóc con trai tỷ phú Lý Gia Thành, Cường tiếp tục bắt cóc Walter Kwok, con trai của Kwok Tak Seng, tỷ phú bất động sản hàng đầu Hong Kong. Ông bố trong vụ bắt cóc này không hào phóng như ông Lý Gia Thành, tỏ ý không muốn chi tiền. Do đó, vợ ông ta đã bí mật đàm phán và trả nhóm Cường 600 triệu HKD (77 triệu USD) để chuộc con.
Mục tiêu thứ ba của Cường là ám sát một chính khách bằng cách đánh bom tòa nhà Chính phủ song kế hoạch bại lộ.
Cường trốn về Quảng Đông tháng 1/1998 nhưng 7 tháng sau thì bị bắt cùng 35 đồng bọn. Khi đóm nhóm này đang lên kế hoạch bắt tài phiệt đế chế casino lớn nhất châu Á, Hà Hồng Sân.
Dù vậy, Cường vẫn ngạo mạn chối tội, tự tin rằng mình sẽ được đưa về Hong Kong để xét xử, nơi đã bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, cuối cùng vận may của Cường đã chấm dứt. Cường và đồng bọn bị xử ở tòa án Quảng Châu.
Tháng 11/1998, Cường bị tuyên án tử hình vì các tội danh buôn bán chất nổ xuyên biên giới, cướp và bắt cóc.
Ngày 5/12 cùng năm, Cường bị xử bắn. Cuộc đời oanh liệt của Vua cướp - bắt cóc tống tiền khét tiếng thế kỷ chính thức khép lại. Vụ bắt cóc con trai tỷ phú Lý Gia Thành vẫn là sự kiện khiến Cường được ghi nhớ nhiều nhất. Vụ bắt cóc sau này được dựng thành phim Operation Billionaire, do Nhậm Đạt Hoa thủ vai chính.
Hải Thư (Theo True Crime, SCMP)