Chiều ngày 2/12/1999, Đinh Thanh Quyết, nhân viên quản lý bảo vệ rừng Lâm trường Ea H’Mơ huyện Ea Súp, Đăk Lăk được giao súng AR15 để đi tuần tra ở tiểu khu 52. Đi tuần cùng với Quyết có Ngô Thế Thọ, du kích xã Ya Lốp. Theo lời khai của hai người thì trên đường đi, họ gặp Đinh Văn So cầm súng kíp và đeo một con dao. Hai bên dừng lại nói chuyện và hút thuốc, sau đó So bỏ đi. Quyết nói với Thọ: “Đây là bọn làm gỗ lậu, gọi nó lại hỏi”. Quyết đã gọi nhưng So vẫn tiếp tục bỏ đi. Hai người đuổi theo, Quyết bảo Thọ bắn chỉ thiên để So đứng lại. Một lúc sau, có tiếng súng kíp nổ. Hai người không đuổi theo nữa mà trở về lán ngủ.
Đến chiều ngày 3/12/1999, Công an tỉnh Gia Lai đến báo anh So trúng đạn đã chết và thu giữ khẩu súng AR15 mà Quyết dùng hôm trước.
Ngày 24/11/2000, TAND huyện Ea Súp đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt Ngô Thế Thọ 12 tháng tù giam về tội “vô ý làm chết người”. Thọ kháng cáo. Ngày 12/4, TAND tỉnh Đăk Lăk xử phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm xét xử có căn cứ nhưng vi phạm thủ tục tố tụng nên phải huỷ, trả hồ sơ cho toà cấp sơ thẩm xét xử lại.
Giám định pháp y có mâu thuẫn
Tại hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, Đinh Thanh Quyết (người có quyền và nghĩa vụ liên quan) và bị cáo Ngô Thế Thọ đều khai: Thọ đã bắn chỉ thiên chứ không hề bị vấp ngã làm cướp cò súng như cáo trạng. Thọ còn cho rằng viên đạn đã bắn trúng So không phải là đạn AR15.
Còn theo giám định pháp y, lỗ đạn vào và lỗ đạn ra có kích thước tương đương nhau: lỗ vào, vùng hạ sườn trái anh So có kích thước 0,5 x 0,5 cm; lỗ ra, hông phải 0,6 x 0,4 cm. Nhưng đây lại là điều khó xảy ra đối với các loại súng quân dụng (do nòng súng quân dụng có đường khương tuyến nên thường lỗ đạn ra bị phá rộng ra hơn nhiều lần lỗ đạn vào). Ngoài ra, lỗ đạn vào ở phía bụng, ra ở phía lưng, trong khi thực tế Thọ đuổi theo sau So, nếu có vấp ngã làm cướp cò súng thì đạn sẽ đi từ lưng tới bụng chứ không như giám định pháp y đã xác định.
VKSND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu cơ quan giám định pháp y giải thích sự mâu thuẫn này. Tại bản giải trình ngày 8/9/2000, cơ quan giám định pháp y đã phỏng đoán: “Sự kiện này có thể xảy ra khi kẻ chạy trước vừa chạy vừa quay lại xem kẻ chạy sau, như vậy vết đạn có thể xảy ra như mô tả ở trên thi thể nạn nhân đã khám nghiệm ngày 3/12/1999". Việc kết tội dựa trên sự phỏng đoán như vậy rõ ràng là chưa thuyết phục nếu không muốn nói là áp đặt.
Còn có một khẩu súng kíp khác
Điều đáng lưu ý là dù có những nghi vấn và mâu thuẫn trên, lại có cả tiếng súng kíp và tiếng súng AR15, thế nhưng cơ quan tố tụng vẫn không trưng cầu giám định vết đạn trên thi thể nạn nhân là thuộc loại súng, đạn nào. Tại phiên toà sơ thẩm, anh Xa Văn Quán, một trong hai người cùng đi trộm gỗ với anh So đã khai: “Khi đi, tôi không thấy có súng. Khi về thì thấy anh So và người bạn kia đều có súng”. Lời khai của Thọ còn có chi tiết: Khẩu súng kíp do cơ quan điều tra thu giữ của So mà Thọ thấy được tại phiên toà sơ thẩm không phải là khẩu súng mà Thọ và Quyết nhìn thấy trong đêm đi tuần gặp So. Ngoài ra, còn có nghi vấn là tiếng súng kíp sau tiếng nổ của AR15 có thể không phải là từ súng của So. Phải chăng sau khi nghe tiếng súng của lâm trường, lâm tặc đã nổ súng yểm trợ cho đồng bọn nhưng vô tình trúng nhầm “người nhà”?
Do có quá nhiều điều nghi vấn nên tại phiên toà sơ thẩm lần hai này, ngày 12/6, TAND huyện Ea Súp, Đăk Lăk đã quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành giám định súng, vết đạn và một số tình tiết khác.
(Theo PL TP HCM)