Theo cáo trạng, để thực hiện trót lọt hành vi này, Nguyễn Thị Bé Tư đã chỉ đạo cho Phó giám đốc Trần Tấn Điệp lập thủ tục chuyển dịch hai mặt bằng trên, từ chỗ là tài sản công của Công ty DVTM Cà Mau thành tài sản riêng của mình, nhưng ngụy trang dưới tên của mẹ chồng và em ruột. Để thanh toán việc “giả mua giả bán”, Bé Tư lại chỉ đạo thuộc cấp lập ra hàng loạt “danh sách ma” cho công ty vay tiền, sau đó rút tiền vay ra để trả tiền mặt bằng cho mẹ và em. Rồi hai mặt bằng kia lại đem bán ngược lại cho công ty, số tiền thu được lại cho công ty vay tiếp. Qua thủ đoạn trên, Bé Tư đã chiếm đoạt hơn 499 triệu đồng. Em ruột là Nguyễn Văn Hoàng chiếm đoạt hơn 347 triệu đồng.
Khi tòa hỏi: "Mặt bằng mang tên bà Nhã (mẹ chồng của Bé Tư), bị cáo có mua không và mua của ai?”, Bé Tư trả lời: “Tôi mua trực tiếp từ ông Bảy Sáng. Còn tiền thì tôi đưa cho Hoàng vì Bảy Sáng và em tôi có hùn làm ăn”. Tòa hỏi ông Sáng: “Ông có bán hai mặt bằng cho Bé Tư và Hoàng không?”. Ông Sáng: “Dạ không”. Tòa hỏi Trần Tấn Điệp: “Vì sao bị cáo lại ký hai hợp đồng để hợp thức hóa việc chiếm đoạt hai mặt bằng 02 và 03 của Bé Tư?”. Trần Tấn Điệp: “Dạ, lúc ký là làm theo lệnh của chị Tư, bị cáo không biết hai mặt bằng đó bị chiếm đoạt”. Tòa cho thư ký đọc lại bút lục lời khai Bé Tư đã khai với cơ quan điều tra, nội dung hoàn toàn khác với lời khai tại tòa.
Chiều cùng ngày, để làm rõ số tiền Bé Tư đã chiếm đoạt (hơn 456 triệu đồng) từ việc xây dựng căn nhà 3A (đường Bảy Thiện, phường 7), tòa hỏi: “Căn nhà 3A là của cá nhân hay của công ty?” Bé Tư: “Cá nhân tôi xây dựng rồi bán lại cho công ty”. Tòa hỏi bị cáo Thanh Hùng, người được Bé Tư phân công theo dõi và cung ứng vật tư xây dựng căn nhà 3A: “Bị cáo có biết nhà 3A là của ai không?”. Nguyễn Thanh Hùng: “Nhà 3A do Công ty DVTM Cà Mau xây dựng”. Tòa: “Vì sao trong quá trình xây dựng, bị cáo có tạm ứng 140 triệu đồng mua vật tư nhưng không quyết toán lại công ty?”. Thanh Hùng: “Chị Bé Tư bảo để sau này rồi thanh toán luôn, nhưng sau đó bị cáo lại bị chuyển sang công việc khác”. Toà: “Vì sao bị cáo lại ký giấy tạm ứng khống 400 triệu đồng?”. Thanh Hùng: “Dạ do chị Bé Tư chỉ đạo”.
Liên quan đến các khoản cho vay chồng chéo ở công ty, Nguyễn Thị Bé Tư cho rằng: “Bởi vì công ty mới lập lại, ngân hàng không cho vay, nhiều người cũng không dám cho vay. Bản thân tôi phải đứng ra kêu gọi, huy động vốn...”.
Luật sư Bùi Quang Nhơn lại bị tòa cảnh cáo
Trong ngày làm việc thứ ba, sau giờ nghỉ giải lao buổi sáng, luật sư Bùi Quang Nhơn (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cần Thơ - người biện hộ cho bị cáo Nguyễn Thị Bé Tư) đã đề nghị chủ tọa được thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Hoàng. Thế nhưng thay vì thẩm vấn, luật sư Nhơn lại đề nghị chủ tọa xem xét những vấn đề không liên quan đến phần thẩm vấn đang tiến hành. Vì vậy chủ tọa Trần Trọng Nhân buộc phải tuyên bố "cảnh cáo" lần thứ nhất luật sư Nhơn trước tòa.
Trong khi thẩm vấn bị cáo Hoàng về một số vấn đề có liên quan, thay vì chỉ thẩm vấn bị cáo, luật sư Nhơn lại đề nghị một luật sư đồng nghiệp chứng minh giúp những hành vi của Hoàng có đúng như lời khai. Và một lần nữa chủ tọa phiên xét xử buộc phải nhắc nhở luật sư Nhơn không đi lệch khỏi phần việc đang làm là thẩm vấn các bị cáo.
Trước đó, trong ngày 13/3, luật sư Bùi Quang Nhơn đã không dưới 3 lần bị chủ tọa nhắc nhở vì đi chệch vấn đề. Một số vấn đề luật sư Nhơn đặt ra để thấm vấn thân chủ Bé Tư đã khiến vị đại diện VKS giữ quyền công tố buộc phải lên tiếng: "Đề nghị HĐXX lưu ý luật sư, vì những câu hỏi vừa rồi có ý mớm cung cho bị cáo...".
Hôm nay, tòa tiếp tục thẩm vấn công khai.
(Theo Thanh Niên)