Ngày 18/7, ông Trần Bắc Hà (62 tuổi), cựu Chủ tịch BIDV, chết trước khi được chuyển đến Bệnh viện quân y 105 (Hà Nội). Ông bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vụ án xảy ra tại ngân hàng BIDV, bị tạm giam tại trại T771, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Ba Vì, Hà Nội).
Trả lời câu hỏi cái chết của ông Trần Bắc Hà ảnh hưởng thế nào đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra, luật sư Vũ Tiến Vinh viện dẫn Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp bị can chết trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra (chấm dứt hoạt động điều tra) đối với bị can đó.
Trường hợp vụ án chỉ có một bị can mà người này đã chết thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Vụ án có nhiều bị can, việc đình chỉ điều tra bị can đã chết không liên quan đến bị can còn lại thì các bị can đó tiếp tục bị điều tra.
Theo luật sư Vinh, vụ án có nhiều bị can mà một bị can tử vong có thể ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động điều tra, cũng như hoạt động truy tố, xét xử sau này. Bởi nếu bị can không chết thì lời khai của họ có thể là căn cứ để buộc tội hoặc gỡ tội cho các bị can khác, đồng thời bị can có thể cung cấp thông tin để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.
Đối với bị can "đầu vụ" (người phải chịu trách nhiệm hình sự lớn nhất trong vụ án) mà tử vong trong giai đoạn điều tra thì càng gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can còn lại vẫn phải đảm bảo nguyên tắc có đầy đủ chứng cứ chứ không thể tiến hành tùy tiện.
Về vấn đề án tích, luật sư Vinh giải thích chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã bị tòa án xét xử bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Pháp luật không đặt ra vấn đề án tích đối với người đã chết khi chưa có bản án, hoặc bản án chưa có hiệu lực đối với họ, mặc dù trên thực tế họ phạm tội. Bởi vậy bị can tử vong khi chưa bị kết án sẽ được coi là người chưa có án tích.
Cuối tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội. Ông Hà bị kết luận đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ.
Trong phiên xử ông Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2018 tại TAND TP HCM, ông Hà ba lần được triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, ông xin vắng mặt cả ba lần với lý do sang Singapore điều trị bệnh.
Tháng 11/2018, ông Trần Bắc Hà cùng cấp dưới gồm Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh) bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Các ông Hà, Hòa, Lang bị tạm giam để điều tra.