Nguyễn Minh Tuân bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo khoản 2, Điều 236 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985, nay là khoản 2, Điều 300 BLHS năm 1999. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của Nguyễn Minh Tuân được thể hiện trong kết luận điều tra của Bộ Công an như sau:
Ngày 13/2/1988 Công an quận I, TP HCM có quyết định di lý vụ án Châu Phát Lai Em phạm tội giết người đến phòng PC16 - Công an TP HCM để điều tra theo thẩm quyền. Nguyễn Minh Tuân là điều tra viên đã được phân công thụ lý điều tra vụ án này. Ngày 22/2/1988, Nguyễn Minh Tuân viết bản kế hoạch điều tra vụ án và được lãnh đạo đội duyệt, sau đó tiến hành điều tra. Ngày 8/4/1988 kết luận điều tra vụ án và hồ sơ vụ án chuyển đến VKSND TP HCM đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em về tội giết người theo Điều 101 khoản 3 BLHS năm 1985 là trường hợp phạm tội "trong tình trạng thần kinh bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”.
Quá trình điều tra vụ án bị can Nguyễn Minh Tuân đã để ngoài hồ sơ vụ án lời khai của nhân chứng trực tiếp rất quan trọng là anh Nguyễn Minh Chánh (BL số: V10.T1-15,16). Kết luận điều tra vụ án chỉ dựa theo lời khai chối tội của bị can Châu Phát Lai Em.
Bị can Nguyễn Minh Tuân còn biết rõ con dao mà Công an quận I chuyển không phải là con dao mà bị can Châu Phát Lai Em đã sử dụng để gây án nhưng Tuân vẫn chuyển cùng hồ sơ vụ án để đề nghị truy tố. Mặt khác theo phiếu nhập, xuất và bàn giao tang vật mà Nguyễn Minh Tuân chuyển đến Toà án TP HCM gồm: 01 con dao và 2 thanh sắt, nhưng trên kết luận điều tra vụ án chỉ thấy nêu tang vật là 1 con dao (biên bản thu hồi tang vật tại hiện trường ngày 26/12/1987 cũng chỉ có 1 con dao).
Các hành vi trên của Nguyễn Minh Tuân đã dẫn đến làm sai lệch bản chất của vụ án. Mặc dù Tuân vẫn thảo kết luận điều tra đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em, nhưng lại trên cơ sở hồ sơ đã bị làm sai lệch theo hướng không phạm tội như đã nêu trên. Bị can Nguyễn Minh Tuân đã thừa nhận việc làm sai phạm của mình (BL số: V10.T3-133) là do điều tra không thận trọng, cẩu thả, trình độ non kém. Nhưng Tuân không thừa nhận có tiêu cực trong việc này.
Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi phạm tội của Nguyễn Minh Tuân là rõ ràng. Tuy nhiên, theo Điều 23 BLHS năm 1999, để xác định thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm, trong khi đó, thời điểm Tuân phạm tội là năm 1988 (cách đây 14 năm). Nếu chiếu theo quy định về thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự của Điều 45, BLHS năm 1985 (quy định thời hạn truy cứu là 15 năm), thì Tuân vẫn bị truy tố. Song, theo khoản 3 Điều 7, BLHS năm 1999 thì "những quy định nào có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi mà họ thực hiện trước 0h00' ngày 1/7/2000 (thời điểm BLHS năm 1999 có hiệu lực) mà sau 0h00' ngày 1/7/2000 mới bị phát hiện". Vì vậy, trường hợp của Tuân được VKSND Tối cao áp dụng điều luật theo hướng có lợi.
Các phần khác của chuyên án Năm Cam và đồng bọn, về cơ bản VKSND Tối cao đều nhất trí với Cơ quan điều tra Bộ Công an. VnExpress sẽ lần lượt chuyển đến bạn đọc các phần nội dung điều tra hành vi phạm tội của 155 bị can trong vụ án này.
Hoài Thương