Vụ án này kéo dài đã 5 năm, Đặng Nam Trung đã bị tạm giam gần 4 năm với 30 lần cơ quan điều tra gần quyết định gia hạn tạm giam bị cáo này. Đây cũng là một trong những vụ án mà hồ sơ phải trả đi trả lại vào hàng "kỷ lục" với 6 lần để điều tra bổ sung và 4 phiên xử sơ thẩm tạm hoãn. Đến nay, đã có tổng cộng 7 bản kết luận điều tra, 5 cáo trạng nhưng vẫn chưa có phiên xử trọn vẹn. Quá trình thẩm vấn trong phiên tòa ngày 7/6, tiếp tục lộ rõ nhiều vấn đề "không bình thường" nên tòa đã chấp nhận đề nghị của VKS, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để bổ sung làm rõ.
Cáo trạng mới nhất của của VKSND Tối cao truy tố bị can Đặng Nam Trung và Phạm Văn Đông, nguyên phó giám đốc Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên cùng về tội tham ô tài sản. Theo đó, Trung đã có hành vi chiếm đoạt số tiền 1,3 tỷ đồng trong hợp đồng mua máy nghiền sàng đá giữa IDC với hãng Parker (Anh) với giá trên 1,3 triệu USD. Cụ thể, Trung đã thỏa thuận với Mc Cormack (đại diện hãng Parker) nâng giá máy lên 25% (tương đương trên 332 ngàn USD) so với giá hãng thông báo, ăn chênh lệch. Để lấy được số tiền này, Trung đã nhờ Mc Cormack ký một số giấy biên nhận khống hợp thức hóa chứng từ.
Như vậy, qua nhiều lần thay đổi tội danh, đình chỉ điều tra vì không có cơ sở xử lý hình sự, tới phiên tòa hôm nay, Đặng Nam Trung còn bị truy tố duy nhất một tội tham ô tài sản. Các hành vi mà Trung đã bị khởi tố trước đó đều đã được đình chỉ điều tra vì không có cơ sở xử lý hình sự. Riêng hành vi cố ý làm trái có liên quan các hợp đồng vay tiền của IDC với các ngân hàng đã được cơ quan điều tra tách ra "để xem xét xử sau". Trước đó, Trung bị khởi tố 4 tội danh và cũng có tới 7 bị can trong vụ án.
Chưa khởi tố nhưng vẫn truy tố?
Trình bày ý kiến về bản cáo trạng, bị cáo Trung nêu rằng đã được nhận rất nhiều quyết định khởi tố, thay đổi tội danh nhưng "chưa bao giờ nhìn thấy quyết định khởi tố bị can về tội tham ô tài sản do có hành vi nâng khống giá trị hợp đồng mua máy nghiền sàng đá để chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng". Tuy vậy, Viện lại truy tố Trung về tội danh trên là không đúng luật. "Tôi không phải là bị can trong vụ án này sao lại bị truy tố", bị cáo Trung nêu.
Các luật sư bảo vệ cho bị cáo này cũng cho rằng quyết định khởi tố bị can Trung về tội tham ô tài sản là trong vụ mua bán mủ cao su với công ty TASK, sau đó đã được chuyển sang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cuối cùng thì có quyết định đình chỉ điều tra. Còn trong vụ ký hợp đồng mua máy nghiền sàng đá của Parker thì Đặng Nam Trung chưa hề có quyết định khởi tố bị can mà cơ quan điều tra cũng không có quyết định khởi tố vụ án này nhưng VKSND Tối cao lại ra cáo trạng truy tố Trung tham ô 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong phần thẩm vấn, các nhân chứng, người liên quan là nhân viên của IDC khẳng định, khoản tiền mà VKS truy tố Trung đã nâng khống để chiếm đoạt thực ra đã chi trả lại cho Mc Cormac và ông này đã ký nhận đầy đủ. Phía công ty công ty Parker cũng đưa ra các biên nhận, thư xác minh của về việc đã nhận khoản tiền trên 332 ngàn USD. Tuy vậy, cơ quan tố tụng lại chấp nhận lời khai của ông Mc Cormac xác định, việc ký nhận trên chỉ là khống.
Cơ quan điều tra ra văn bản trái luật?
Tại phiên tòa, bà Lê Thị Hoàng Mai, vợ của bị cáo Đặng Nam Trung đã đề nghị xứ lý hành vi ra văn bản trái pháp luật của ông Lý Anh Quán, phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án này.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, 4 luật sư và 1 luật gia bảo vệ cho Đặng Nam Trung đã đồng loạt có đơn kiến nghị, đề nghị khởi tố vụ án đối với ông Lý Anh Quán. Tiếp đó, luật sư Trần Hải Đức cùng luật gia Trần Việt Cường đã ký tiếp bản kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng "yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật trong vụ án" như: Cơ quan điều tra đã không ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Nam Trung về hành vi tham ô 1,3 tỷ đồng trong vụ án ký hợp đồng mua bán nghiền sàng đá nhưng lại vẫn truy tố. Sử dụng chứng cứ không có giá trị pháp luật (dùng bản thỏa thuận số 01 photo để làm căn cứ buộc tội ông Trung)...N. Hải