Edward Henry (1850-1931) là nhà tiên phong nghiên cứu vân tay học, có cống hiến kiệt xuất trong việc khai thác và hoàn thiện hệ thống giám định, phân biệt vân tay. Cuối năm 1869, ông đạt thành tích xuất sắc trong kì thi tuyển nhân viên khi làm tổng thanh tra cảnh sát tỉnh Bangladesh, sự nghiệp nghiên cứu vân tay của Henry bắt đầu từ đây.
Khi đó phương pháp phân biệt người có tiền án phạm tội của cơ quan chấp pháp còn rất sơ sài, có sai số lớn do chủ yếu dựa vào các thông tin như hình xăm hay vết sẹo. Năm 1892, Henry bắt đầu thử dùng kĩ thuật đo đạc cơ thể, thông qua 10 số liệu đo đạc và màu mắt để phân biệt tội phạm. Dù đã có tiến bộ rất lớn so với trước đó nhưng phương pháp này vẫn chưa hoàn toàn chính xác như mong muốn của ông.
Đến năm 1893, phương pháp phân biệt được cải tiến thành 6 số liệu và dấu vân tay ngón cái tay trái. Nhưng Henry vẫn nghi ngờ về tính chính xác của phương pháp này, cho rằng chưa thể giải quyết được vấn đề phân biệt thân phận, quyết tâm nghiên cứu phát triển một hệ thống có thể chứa được vân tay của 10 triệu người. Ngoài các số đo như trước, ông còn thu thập vân tay 10 ngón của mỗi người để xây dựng kho dữ liệu vân tay.
Từ tháng 7/1896 đến tháng 2/1897, với sự trợ giúp của các trợ lí, Henry đã phát triển được một hệ thống phân loại vân tay chi tiết, có thể tiến hành sắp xếp và tìm kiếm vân tay tương đối dễ dàng. Năm 1896, Henry công bố báo cáo nghiên cứu vân tay, chỉ rõ hệ thống phân biệt vân tay trội hơn hệ thống đo đạc cơ thể người.
Tháng 6/1897, hệ thống phân biệt vân tay của Henry được phép ứng dụng rộng rãi tại Ấn Độ. Năm 1900, tác phẩm "Phân loại và ứng dụng vân tay" của ông được chính thức xuất bản. Dù được chính quyền công nhận nhưng tác phẩm của Henry vẫn bị nghi vấn và phê phán suốt 30 năm. Sau đó mọi người mới ý thức được giá trị của quyển sách này và tiến hành ứng dụng rộng rãi. Có nhà bình luận cho rằng, Henry là nhà khoa học Anh vĩ đại, đáng được cả xã hội cảm ơn.
Theo Toutiao, năm 1902, sau khi phá vụ án anh em nhà Stratton, Henry và hệ thống phân biệt vân tay do ông sáng lập trở nên cực kì nổi tiếng, tính hợp pháp của vân tay học được thừa nhận. Vụ án xảy ra vào một sáng sớm khi một người giao sữa phát hiện hai người trẻ tuổi hoảng hốt rời hiệu sơn tại London. Đến bảy rưỡi sáng, nhân viên hiệu sơn đến làm việc thấy cửa đóng chặt, bấm chuông không có người trả lời. Nhân viên trèo tường vào, phát hiện xảy ra án mạng.
Chủ hiệu bị sát hại gần lò sưởi. Trên tầng hai, bà chủ bị chấn thương vùng đầu, bốn ngày sau qua đời tại bệnh viện. Toàn bộ tiền bạc trong nhà bị mất, trên nắp rương đựng tiền có một vết bẩn. Sáng hôm sau, cảnh sát kết luận vết bẩn này là một dấu vân tay ngón cái rất rõ. Hai nhân viên hiệu sơn được loại trừ vì vân tay không khớp, trong 80.000 dấu vân tay trong kho dữ liệu cũng không có kết quả tương ứng.
Nhận được tin báo của người đi giao sữa, cảnh sát bắt nghi phạm là anh em nhà Stratton. Chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng là không đủ để kết tội, cảnh sát lấy mẫu vân tay của hai anh em, phát hiện vân tay trên nắp rương là của gã anh trai 22 tuổi. Lúc này Henry đã trở thành cục trưởng cục cảnh sát London. Nhận được báo cáo về vụ án, ông lập tức ý thức được vụ án này có thể thay đổi toàn bộ nhận thức của nước Anh với vân tay học.
Trong phiên tòa xét xử, cảnh sát London xuất hiện với vai trò nhân chứng, bỏ thời gian thuyết trình về vân tay học, sau đó đưa ra bức ảnh phóng đại dấu vân tay trên nắp rương và dấu vân tay của Stratton anh. Sau quá trình tranh tụng quyết liệt, quan toà xác nhận bằng chứng do cảnh sát đưa ra là bằng chứng phạm tội hữu hiệu, tội danh được thành lập.
Phiên tòa gây chấn động, đến lúc này cảnh sát các nước châu Âu mới bị tính ưu việt của hệ thống phân biệt vân tay thuyết phục và mở rộng áp dụng phương pháp này.
Năm 1906, ông được hoàng gia phong chuẩn nam tước. Năm 2001, Ủy ban di sản Anh treo biển công nhận ngôi nhà của Henry tại London là di sản quốc gia.
Khang Diệp