Richard và Regina kết hôn tháng 8/1984 nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc người vợ chuyển về nhà bố mẹ đẻ trong tháng 10/1989, để lại lá thư bày tỏ muốn ly hôn. Vài tuần sau, tháng 11/1989, Richard đột nhập vào nhà khi bố mẹ vợ đi vắng và định ép vợ quan hệ tình dục. Khi vợ không đồng ý, Richard đã hành hung cô, dùng hai tay siết cổ.
Cảnh sát bắt Richard với cáo buộc hiếp dâm và hành hung. Richard và Regina ly hôn tháng 5/1990 nhưng vụ án mới chỉ bắt đầu. Richard bị xét xử sơ thẩm tại Tòa án Leicester vào tháng 7/1990. Câu hỏi lớn nhất trong vụ án cũng chính là lý lẽ Richard và phía luật sư biện hộ đưa ra là: Chồng cưỡng hiếp vợ thì có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Việc cho phép chồng hiếp dâm vợ trong hôn nhân, theo Thông luật (Common law) của Anh được cho là có từ năm 1736 trong chuyên luận Historia Placitorum Coronæ của thẩm phán Matthew Hale.
Trong đó, Hale tuyên bố: "Người chồng không thể phạm tội cưỡng hiếp người vợ hợp pháp của mình vì theo sự đồng ý và hợp đồng hôn nhân chung của họ, người vợ đã giao nộp bản thân cho chồng mình, sự đồng ý mà cô ấy không thể rút lại".
Nói cách khác, khi đồng ý kết hôn, người vợ đã trao thân xác cho chồng và cũng đồng ý không thể thay đổi quan hệ tình dục với chồng.
Luật gia John Frederick Archbold trong cuốn Lời biện hộ và bằng chứng trong các vụ án hình sự ra năm 1822 cũng cho rằng "người chồng cũng không thể phạm tội hiếp dâm vợ mình". Cuốn sách giáo khoa này vẫn được sử dụng thường xuyên tại tòa án ngày nay. Tóm lại, quan niệm "người chồng không bao giờ mắc tội cưỡng hiếp vợ mình" và điều này từ lâu đã được cho là đúng qua các văn bản pháp luật tồn lại lâu đời ở Anh.
Nhưng vụ án của Richard được xét xử vào năm 1990, khi này phong trào nữ quyền đã hoạt động mạnh mẽ được 20 năm. Tổ chức Phụ nữ chống hiếp dâm (WAR) được thành lập vào năm 1976 đã công khai chỉ trích quan điểm cho rằng hiếp dâm trong hôn nhân không phải là hiếp dâm. Họ truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng mọi vụ hiếp dâm đều phải được xem xét nghiêm túc, giúp phụ nữ tự tin hơn để trình báo.
Kết quả, trong năm 1987 chỉ 2.417 phụ nữ báo cáo về việc bị chồng hiếp dâm song con số này đã tăng tới gần 4.600 vào năm 1993. Khảo sát của WAR cho thấy 14% phụ nữ đã bị chồng cưỡng hiếp và 96% trong số này muốn luật thay đổi. Song tỷ lệ kết án vẫn quá thấp. Sự thay đổi thực sự chỉ có thể xảy ra khi luật pháp và chính trị ủng hộ phong trào nữ quyền. WAR do đó cũng bắt đầu làm việc cùng với Ủy ban Pháp luật để gửi các đề xuất cải cách.
Nghị sĩ Đảng Lao động John Tilley đã làm việc với WAR từ năm 1983 và có bài phát biểu vang dội trước Quốc hội. Trong đó, ông nêu rằng vai trò của luật hình sự là "liệt kê các hành động mà xã hội cho là ghê tởm đến mức thủ phạm đáng bị trừng phạt" và hiếp dâm trong hôn nhân nằm trong số đó.
Tất cả điều này nhằm đưa ra bối cảnh giải thích cho phán quyết năm 1990 của tòa Leicester: Richard bị kết án 3 năm tù vì hiếp dâm vợ, và 18 tháng tù vì hành hung, tổng hợp mức án 4 năm 6 tháng tù. Richard trở thành người đầu tiên ở Anh bị kết tội hiếp dâm vợ.
Richard vẫn thấy bản án vô lý, đã kháng cáo. Vụ án được phúc thẩm tháng 2/1991 do đích thân Chánh án tòa Hình sự Anh, Geoffrey Dawson Lane làm chủ tọa. Kết quả, tòa tuyên y án sơ thẩm.
Trong bản án, chủ tọa nêu: Ngày nay, xã hội đã có những thay đổi đã quá lớn và đến lúc cần xem xét lại các thông luật xưa xem còn phù hợp hay không. Quan niệm người vợ khi kết hôn là mặc định đã cho chồng mình quan hệ tình dục bất kể tình trạng sức khỏe và sự không đồng ý của cô có từ ba thế kỷ trước đã không thể chấp nhận được nữa. "Quan niệm này giờ là hư cấu, và hư cấu là một cơ sở tồi cho luật hình sự", chủ tọa nêu.
"HĐXX có quan điểm rằng đã đến lúc luật pháp phải tuyên bố kẻ hiếp dâm luôn là kẻ hiếp dâm và phải tuân theo luật hình sự, bất kể mối quan hệ của anh ta với nạn nhân là gì", bản án phúc thẩm khẳng định, và để ngỏ trách nhiệm cho Quốc hội ban hành những cải cách tư pháp cần thiết.
Richard vẫn không bỏ cuộc, đưa vụ án lên Thượng viện (House of Lords, hay còn gọi là Viện nguyên lão, chuyên trách lập pháp, đưa ra sáng kiến, sửa đổi, bổ sung pháp luật).
Trong phán quyết cuối cùng, cả 5 thành viên của Hội đồng xét xử đều thống nhất với quan điểm, từ khi thông luật của Hale được đưa ra năm 1736 đến nay, địa vị của phụ nữ đã thay đổi.
"Một trong những thay đổi quan trọng nhất là hôn nhân trong thời hiện đại được coi là sự hợp tác bình đẳng và người vợ không phải là tài sản phụ thuộc của người chồng", bản án nêu.
HĐXX cho rằng ngày nay bất kỳ người có nhận thức nào cũng cho rằng thông luật của Hale đã lỗi thời và gây phản cảm. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phải loại bỏ nó. Đây hoàn toàn không phải là việc tạo ra một hành vi phạm tội mới".
Cuối cùng, sau 3 lần hầu tòa, Richard vẫn phải thi hành bản án như tòa sơ thẩm kết luận. Trước đó luật Hình sự Anh hầu như không hỗ trợ một phụ nữ đã có gia đình khởi kiện chồng vì tội hiếp dâm. Nhưng phán quyết này đã mở đường cho những người phụ nữ giành lại công lý cho mình.
Phán quyết được Ủy ban Pháp luật của Chính phủ Anh ủng hộ, được chính thức đưa vào trong luật thành văn, trong Đạo luật Tư pháp hình sự và Trật tự công cộng sửa đổi, năm 1994 .
Sự việc thậm chí đã được Tòa án Nhân quyền Châu Âu xem xét, công nhận đây là một tiến trình cải cách tự nhiên và cần thiết của luật pháp.
*Tên nhân vật được Tòa thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư
Hải Thư (Theo British and Irish Legal Information Institute, Casemine, Law teacher, The lawyer porter)