Kolkata (trước đây gọi là Calcutta) thủ phủ của bang Tây Bengal, còn được gọi là "thành phố cung điện" của Ấn Độ, do có số lượng lớn cung điện và dinh thự được xây dựng từ thời thuộc địa, thế kỷ 18.
Nhưng khi dân số phình ra mỗi năm, việc chung sống với những tòa nhà di sản dần trở thành cuộc chiến giữa giá trị lịch sử và an sinh xã hội. Nhiều công trình kiến trúc đang ở các giai đoạn đổ nát khác nhau. Những nỗ lực bảo tồn còn chắp vá và thường bị ảnh hưởng bởi vấn đề kiện tụng, rắc rối với người thuê nhà, tranh chấp quyền sở hữu, luật thuê nhà cũ, thiếu vốn và xây dựng cải tạo trái phép.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ đại hỏa hoạn lớn nhất lịch sử nước này, xảy ra 13 năm trước.
Stephen Court là tòa nhà 7 tầng nằm trong khu phố Park cao cấp, ngay trung tâm thành phố. Nó đã hơn 150 năm tuổi và được xếp hạng là tòa nhà di sản cấp II. Nơi đây có nhà hàng nổi tiếng, cửa hàng âm nhạc lớn Music World và vài văn phòng, kết hợp nhà ở. Stephen Court được đưa vào sử dụng cho cả mục đích thương mại và dân cư. Điều này gây thêm căng thẳng cho hệ thống dây điện cũ nát của tòa nhà.
Và điều gì đến đã đến. 14h ngày 23/3/2010, một ngọn lửa bùng lên do chập điện trong thang máy. Khói, lửa bốc nhanh và những tiếng hét vang một góc phố, nhưng phải 45 phút sau, xe cứu hỏa mới có mặt.
Những cư dân tuyệt vọng bắt đầu tìm lối thoát bằng cách vừa khóc vừa nhảy xuống đất. Hai trong số họ chết khi tiếp đất từ tầng 6.
Nhiều cư dân của tòa nhà buộc phải leo lên những gờ hẹp của tường nhà để leo sang tòa nhà bên cạnh nhưng không có kết cục tốt hơn. Tổng cộng, 6 người chết khi cố nhảy từ trên tầng 5 và 6. Lối thoát hiểm của tòa nhà đã bị khóa. Lực lượng cứu hỏa huy động 300 lính và 40 xe, đã mất tới 9 giờ để dập tắt đám cháy, tìm thấy 18 thi thể bên trong.
Hơn một ngày liền, các con phố trung tâm Kolkata chỉ inh ỏi vang lên tiếng còi hụ của xe cứu hỏa và cứu thương. Hàng trăm người đổ đến các bệnh viện nhận diện người chết và gọi điện cho nhau hỏi thăm tình hình. Con số thiệt mạng cuối cùng, dừng ở 43 người.
"Tôi không hiểu vì sao chính quyền thành phố lại không có quy định nghiêm ngặt áp dụng cho các tòa cổ như Stephen Court. Nơi này không có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tối thiểu như vòi phun nước hay còi báo cháy", những cư dân quanh tòa nhà than phiền sau thảm họa. Nhưng đó không phải nguyên nhân duy nhất.
Một cuộc điều tra của chính phủ về vụ việc này cho thấy việc xây dựng hai tầng trái phép và thiếu thiết bị chữa cháy đầy đủ là những yếu tố chính khiến ngọn lửa vượt khỏi tầm kiểm soát. Báo cáo thể hiện, khoảng năm 1930, tầng 4 đã được thêm vào tòa nhà mà không có giấy phép xây dựng, tiếp theo là tầng 5 và 6, tiếp tục được xây thêm vào năm 1984.
Chính quyền đã thông báo về việc vi phạm quy tắc xây dựng với cơ quan quản lý tòa nhà. Song năm 1984, việc xây dựng trái phép các tầng đã được xử lý rất gọn gàng bằng cách nộp phạt hành chính. Các tầng xây thêm không bị buộc tháo dỡ. Đỉnh điểm là sau đó vài năm, tầng thứ 7 đã được xây dựng thêm. Tính đến thời điểm hỏa hoạn xảy ra, tòa nhà đã cao gấp đôi so với kiến trúc nó được phê duyệt, 32 căn hộ thuộc diện xây dựng trái phép.
Ủy viên cảnh sát thành phố cho hay, gặp rất nhiều khó khăn để dập lửa, do họ không được đơn vị quản lý giao nộp thiết kế, sơ đồ tòa nhà.
"Bốn tầng trên cùng là bất hợp pháp. Chúng tôi đang điều tra xem vai trò của Hội đồng thành phố Kolkata vào thời điểm đó là ai, chủ sở hữu của tòa nhà. Thành phố có một nhóm gồm những người xây dựng trái phép mà chính quyền có liên quan. Trừ khi chúng ta có những bước đi cứng rắn chống lại họ, chúng ta không thể ngăn chặn được những tai họa kiểu này trong tương lai", Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa kiêm Ủy viên Bộ chính trị, ông Buddhadeb Bhattacharjee phát biểu tại Quốc hội trong quá trình điều tra vụ hỏa hoạn.
Ông nhấn mạnh sẽ phải có hình phạt nghiêm khắc làm mẫu. "Vụ hỏa hoạn đã dạy chính phủ phải can thiệp ngay lập tức vào những tình huống xây dựng trái phép như vậy", ông nói.
Cảnh sát cho rằng các giám đốc Công ty xây dựng Stephen Court Limited (SCL), chủ sở hữu tòa nhà và đơn vị bảo trì, phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn. Bộ trưởng Buddhadeb Bhattacharjee chỉ thị nhanh chóng vào cuộc điều tra vai trò của SCL. Từ khi hỏa hoạn xảy ra, ba giám đốc của công ty đã mất tích. Trong khi đó, ba cán bộ thuộc bộ phận bảo trì tòa nhà đã bị bắt ngay hôm sau.
Về phần mình, Hội đồng thành phố Kolkata khẳng định rằng hai tầng trên cùng đã được quy hoạch hợp lý. Lý do, sau khi xây dựng hai tầng trên cùng, SCL đã phải trả một khoản tiền phạt, điều này hợp pháp hóa việc xây dựng, theo luật của thành phố.
Hội đồng thành phố cho biết, có hơn 100.000 tòa nhà trong thành phố, 800 tòa nhà là di sản. Thanh tra xây dựng chỉ có 30 đến 40 người, không thể đến từng tòa nhà và kiểm tra xem, điều này ở bất cứ đâu trên thế giới cũng bất khả thi.
Ngày 22/6 cùng năm, cơ quan điều tra khởi tố vụ án và 6 bị can, trong đó có ba giám đốc của SCL.
Phải nửa năm sau, nỗ lực truy nã các giám đốc của SCL mới có kết quả. Ngày 25/8, cảnh sát bắt được Sanjay Bagaria, giám đốc điều hành, đang trốn tại Saharanpur, Uttar Pradesh, cách đó gần 2.000 km. Ông ta trốn suốt nửa năm trong biệt thự gỗ xa xỉ và kín đáo của bố vợ.
Các đặc vụ của chiến dịch truy bắt tiết lộ, hầu như không ai ở địa phương biết đến sự có mặt của anh ta, thậm chí người phục vụ cũng không biết vị khách bí ẩn sống trong nhà nửa năm qua là ai. Lực lượng đặc nhiệm đã kín kẽ hành động đến mức, chính cảnh sát địa phương cũng không được thông báo cho đến khi con mồi sa lưới.
Vị giám đốc bị truy tố tội Vô ý giết người, Sơ xuất hình sự và Vi phạm luật phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Một tháng sau, 27/9, vị giám đốc thứ hai của SCL, Sushil Sureka trở về Kolkata trình diện trước tòa và đầu thú, các tội danh tương tự. Bị can cuối cùng của vụ án, giám đốc Pradeep More, vẫn chưa có tung tích.
Sau khi trận hỏa hoạn tàn khốc lắng xuống, câu hỏi hiện lên trong đầu người dân là: Tại sao lại có nhiều người thiệt mạng như vậy? Liệu ngọn lửa có thể được ngăn chặn?
Trong khi đội pháp y cho biết nguyên nhân vụ cháy do chập điện, nhà chức trách còn tin rằng tòa nhà đã được xây quá số tầng cho phép, đưa vào sử dụng hỗn hợp, thương mại và dân cư, gây ra sự căng thẳng lớn cho các mạch điện. Được biết, một số văn phòng đã sử dụng lượng điện bổ sung vượt quá tải đồng hồ.
Khối lượng máy điều hòa và thang máy trong tòa nhà cùng với việc thiếu bảo trì đã biến Stephen Court thành một mồi lửa tiềm năng. Cầu thang chính của tòa nhà làm bằng gỗ bị thiêu rụi.
Cục trưởng Phòng cháy chữa cháy, Chatterjee, thừa nhận đã có sự chậm trễ trong việc bắt đầu các hoạt động cứu hộ, nhưng nguyên nhân do thang thủy lực phải được đưa từ xa đến. Hơn nữa, hàng nghìn người xem đã chặn đường và xe cứu hỏa rất khó tiếp cận hiện trường một cách nhanh chóng.
Tòa nhà được tái thiết năm 2016 bởi một Hiệp hội Phúc lợi, bằng cách huy động vốn từ chủ sở hữu các căn hộ. Các cây cột bị gãy, cầu thang hỏng và lớp tường ngoài phủ đầy bồ hóng đã được sơn lại, bể nước cứu hỏa và các trang thiết bị phòng cháy khác đã được bổ sung. Các tầng xây trái phép vẫn chưa được dỡ bỏ.
Việc xét xử 6 người liên quan vụ án không được tiết lộ.
Hải Thư (Theo India Times, Telegraph India, DNA)