Trong bức thư gửi lãnh đạo trung ương ngày 15/2/1997, nguyên giám đốc Công an An Giang Huỳnh Thanh Việt nêu: “Lúc làm giám đốc công an tỉnh (tháng 9/1987 đến đầu năm 1990), Huy đã chủ trương kinh doanh địa ốc, thành lập Công ty Thành Công thất bại, thiệt hại 2-3 tỷ đồng. Huy chiếm dụng trên 7 ha đất của quần chúng, kéo theo một số cán bộ hậu cần của công an để kết cấu tham ô, gây thiệt hại lớn về cán bộ. Một số người đã bị tù 9-16 năm, đặc biệt nghiêm trọng hơn, một cán bộ là phó giám đốc công an đã tự sát (ông Phạm Thanh Sơn)”.
Theo ông Việt, ông Huy lúc đó còn chủ trương buôn lậu nhiều ôtô từ Campuchia về Việt Nam và thành lập Xí nghiệp Thành Lợi, cho Võ Minh Khải làm giám đốc. Vì vậy có dư luận là, biệt thự to của ông Huy ở phường Bình Đức, thị xã Long Xuyên, xuất phát từ các khoản tài chính của Thành Công và Thành Lợi. Vấn đề này, chính ông Mai Chí Thọ, nguyên bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, đã hỏi ông Việt: “Đồng chí đi mới có mấy tháng mà Năm Huy cất nhà bằng hội trường A, hội trường B của Tỉnh ủy. Đồng chí có biết không?”.
Ông Việt gửi bức thư trên vào thời điểm Bộ Nội vụ đề nghị phong hàm thiếu tướng cho ông Bùi Quốc Huy. Từ trước đó, ngày 30/7/1996, ông cũng có thư gửi lãnh đạo Bộ Nội vụ tố cáo các hành vi tham nhũng của ông Huy, và một lá đơn khác vào ngày 5/7/1994 khi ông Huy đang làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Cũng ông Việt, ngày 6/12/1992 gửi đơn tới các vị lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị xử lý “những dấu hiệu tham nhũng” tại Xí nghiệp Thành Lợi. Tuy nhiên, kiến nghị của cán bộ lão thành này không được xem xét đến nơi đến chốn, thể hiện ở những rắc rối tố tụng trong xử lý vụ tham nhũng ở Thành Công.
Công ty Sản xuất kinh doanh và dịch vụ XNK Thành Công là đơn vị kinh tế của Công an tỉnh An Giang, thành lập tháng 6/1989, do Phạm Thanh Sơn, phó giám đốc Công an tỉnh, trực tiếp phụ trách. Ba tháng sau, nắm được thông tin UBND phường Bình Đức, thị xã Long Xuyên, chủ trương san lấp mặt bằng để xây dựng khu dân cư, một người ở ngoài là Lư Tố Giang đã móc nối với Phạm Thanh Sơn dùng pháp nhân của Thành Công ký hợp đồng thi công với chủ tịch phường này, ông Nguyễn Thành Luỹ. Nguồn vốn đổ vào đây gần 2.000 cây vàng, hầu hết từ quỹ nhà nước, nhưng được sử dụng tùy tiện, chuyển hóa bất hợp pháp bằng nhiều hợp đồng giao kết cùng hóa đơn chứng từ giả, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách. Sự việc đổ bể, Phạm Thanh Sơn tự sát, còn ông Huy được chuyển lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Trước khi đi, mọi việc điều tra vụ án đã được gói gọn để Công an An Giang tự làm.
Vụ án được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh, sau đó TAND Tối cao tiến hành phúc thẩm ngày 31/3/1995. Cấp phúc thẩm đã tăng hình phạt với một số bị cáo chủ chốt, đồng thời kiến nghị tiếp tục làm rõ những dấu hiệu bao che, để lọt người, lọt tội ở cấp sơ thẩm. HĐXX nhận định: “Từ giai đoạn điều tra ban đầu, cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương đã xử lý chưa triệt để, dẫn đến việc truy tố không nghiêm một số bị cáo, hoặc tùy tiện tách một số người liên quan trong vụ án, dù những người này đã được bọn Giang cho tiền, vàng, tài sản hoặc để lọt một số cá nhân đã có hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Với một số quan chức địa phương, đặc biệt là Công an tỉnh An Giang (đơn vị chủ quản của Thành Công), tòa phúc thẩm cũng xác định họ đã cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm không kiểm tra, buông lỏng, thả nổi để bọn Giang – Sơn thao túng ngay từ công trình đầu tiên ở Bình Đức. Tòa chỉ đích danh một số đối tượng còn bị lọt lưới pháp luật, trong đó có Bùi Minh Tấn, con trai ông Bùi Quốc Huy, và đã kiến nghị VKSND Tối cao tiếp tục làm rõ.
Thời điểm ấy, người có thẩm quyền cao nhất trong lĩnh vực kiểm sát án hình sự là ông Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng VKSND Tối cao. Và kiến nghị của Tòa Tối cao khi đó đã rơi vào quên lãng, dọn đường thăng quan tiến chức cho ông Bùi Quốc Huy.
(Theo Thanh Niên)