Công an Bình Dương ngày 22/4 khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để điều tra dấu hiệu tội phạm của bà Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam), sau khi xác minh đơn tố giác của 6 cá nhân. Hồi cuối tháng 3, bà Hằng cũng bị Công an TP HCM bắt tạm giam để điều tra về tội này.
Động thái của cơ quan điều tra hai tỉnh đều nhằm làm rõ bà Hằng đã có hành vi livestream nói các thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của nhiều cá nhân.
Theo luật sư Huỳnh Ái Chân (Phó Giám đốc Công ty Luật Ta Pha), nguyên tắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự là hành vi phạm tội xảy ra ở địa phương nào, cơ quan tố tụng ở đó có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều địa phương, thì nơi nào phát hiện đầu tiên sẽ giải quyết. Tuy nhiên, đối với các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, cơ quan nào phát hiện trước sẽ giải quyết mà không phụ thuộc vào việc người vi phạm, nạn nhân cư trú ở đâu hay hậu quả xảy ra ở đâu.
Trong trường hợp bà Hằng có hành vi sử dụng mạng xã hội livestream, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác thì cơ quan nào phát hiện hành vi phạm tội trước (dựa trên đơn tố giác, kiến nghị khởi tố...), cơ quan đó sẽ có thẩm quyền giải quyết. "Do đó, việc Công an TP HCM và Bình Dương cùng thụ lý, giải quyết vụ án liên quan đến bà Hằng như hiện nay là phù hợp với quy định pháp luật", bà Chân nói.
Tuy nhiên, trong trường hợp bà Hằng bị cơ quan điều tra Công an TP HCM và Bình Dương cùng khởi tố về một tội danh mà không có căn cứ xử lý thêm về tội khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhập vụ án để cùng điều tra theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
"Việc nhập vụ án sẽ đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Bà Hằng sẽ không bị 'án chồng án'. Pháp luật quy định mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Nên nếu một người thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật đã bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, các cơ quan khác sẽ không xử lý", luật sư Chân cho biết.
Cùng quan điểm, luật sư Võ Văn Thêm (nguyên phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM) phân tích thêm, theo Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra có thể nhập để điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm... Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm. Đồng thời, việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho VKSND cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không đồng ý với quyết định nhập hoặc tách vụ án của cơ quan điều tra, VKS sẽ ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.
Theo đó, ông Thêm cho rằng, quá trình điều tra Công an Bình Dương xác định bà Hằng hoặc có thêm nhiều bị can khác nhưng cùng phạm vào tội danh giống như Công an TP HCM đang xử lý, thì Công an Bình Dương sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho Công an TP HCM nhập chung một vụ án. Việc làm này nhằm thuận tiện cho quá trình điều tra, truy tố xét xử nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự.
Còn nếu Công an Bình Dương phát hiện hành vi của bà Hằng phạm thêm tội Làm nhục người khác, Vu khống... mà lúc này Công an TP HCM đã kết thúc điều tra thì các cơ quan tố tụng Bình Dương có thể tách ra để xử lý trong một vụ án khác. Để đảm bảo về tố tụng thời gian xử lý thì ở TP HCM sẽ đưa ra truy tố, xét xử trước.
"Việc nhập hoặc tách vụ án hình sự có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng không bắt buộc", luật sư Thêm nói.
Bà Nguyễn Phương Hằng trước đây mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến năm 2010 đổi tên như hiện tại. Bà là đại gia bất động sản, vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò Vôi"), có quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam trở nên nổi tiếng vào tháng 3/2021, sau khi tố cáo với Công an TP HCM là bị "lương y" Võ Hoàng Yên lừa hàng trăm tỷ đồng. Bà Hằng sau đó thường xuyên livestream bày tỏ bức xúc về việc bị mất tiền, đả kích nhiều người không liên quan.
Từ giữa năm ngoái, bà này dùng hàng chục tài khoản trên Youtube, Facebook, TikTok thực hiện cả trăm buổi livestream tại địa bàn tỉnh Bình Dương và TP HCM. Trong đó có nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hàng loạt người như: ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, nhà báo Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển... Họ đã làm đơn đề nghị Công an TP HCM và Bình Dương xử lý bà Hằng về các hành vi Làm nhục người khác, Vu khống và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Công an TP HCM đã 4 lần mời bà Hằng lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi phát ngôn ảnh hưởng đến người khác nhưng bà này không chấp hành. Cơ quan điều tra cho rằng bà Hằng coi thường pháp luật, thách thức, tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Thảo Mi