Olaf Dietrich sinh năm 1952 ở Đức, di cư đến Australia năm 9 tuổi. Anh ta bỏ học sớm, nhập đội ngũ các cậu bé đường phố, ba tiền án cướp có vũ trang.
Kết hôn và có con ở tuổi 18, Dietrich mở rộng kế mưu sinh bằng con đường buôn ma túy từ Thái Lan đến Australia. Ngày 17/12/1986, Dietrich bay chuyến Bangkok - Melbourne. Những gói hàng trắng được anh ta cuốn vào trong bao cao su, nuốt vào bụng để tránh bị hải quan phát hiện. Dietrich qua cửa an ninh sân bay trót lọt nhưng hôm sau thì bị cảnh sát gõ cửa và bắt quả tang.
Dietrich bị buộc tội Vận chuyển trái phép chất ma túy với khung hình phạt lên tới 15 năm tù. Anh ta đã nộp đơn lên Tòa án Quận Victoria xin đại diện pháp lý, luật sư chỉ định nhưng đã bị tòa từ chối.
Do đó, Dietrich không có mặt tại phiên tòa. Bị cáo không nhận tội, nhưng bồi thẩm đoàn đã kết luận anh có tội và chủ tọa tuyên án vắng mặt, hình phạt 7 năm tù.
Sau phiên tòa, Dietrich kháng cáo lên Tòa phúc thẩm hình sự, lập luận rằng những người phải đối mặt với cáo buộc hình sự nghiêm trọng như tội anh ta đang bị cáo buộc, phải được cung cấp đại diện pháp lý, luật sư chỉ định miễn phí, nếu không đủ khả năng chi trả. Dietrich cho rằng việc tòa án bác bỏ nguyện vọng của anh ta đồng nghĩa phiên tòa đã cấu thành một sự xử oan. Tòa phúc thẩm tiếp tục bác kháng cáo của Dietrich.
Bị cáo này quyết định đệ đơn kháng cáo lên tòa Tối cao Australia. Khi này, một luật sư đã tình nguyện đứng ra bào chữa cho Dietrich không qua Tòa án chỉ định.
Đơn kháng cáo khẳng định quyền được tương trợ pháp lý miễn phí của Dietrich dựa trên nhiều nguồn luật. Đầu tiên, anh ta trích dẫn nghĩa vụ quốc tế của Australia, cụ thể là Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), quy định rằng một người phải có quyền được hỗ trợ pháp lý mà không phải trả tiền trong trường hợp mà không có khả năng để thanh toán.
Luật sư cũng trích dẫn các trường hợp tương tự như ở Mỹ và Canada, cùng với Australia, cả 3 đều là quốc gia thông luật, trong đó quy định rằng các tòa án phải chỉ định luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong các vụ án hình sự nghiêm trọng, khung truy tố nặng, nếu bị cáo không có khả năng trả.
Tháng 11/1992, khi đã thụ án được 5 năm, Dietrich được Tòa án tối cao tuyên phán quyết có lợi . Hội đồng thẩm phán tòa Tối cao Australia gồm 7 người, 5 trong số họ đã nhất trí với các lý lẽ mà bị cáo này đưa ra.
Theo tòa, khi bị cáo phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng, không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý cho luật sư, thì tòa phải hoãn xét xử đến khi bị cáo đó được chỉ định luật sư bào chữa miễn phí hoặc người đại diện miễn phí.
Nếu phiên tòa tiếp tục diễn ra dẫn đến một bản án không công bằng thì phải hủy bỏ bản án. Tòa án tối cao do đó đã ra lệnh chấp thuận đơn kháng cáo của Dietrich, hủy bỏ bản án và cho Dietrich một phiên tòa mới.
Trong khi đó, hai thẩm phán bất đồng còn lại cho rằng phiên sơ thẩm và phúc thẩm, dù bị cáo không có người bào chữa, song không có sai sót nào về mặt tội danh hay hình phạt. Việc Dietrich bị kết tội Vận chuyển ma túy đã quá rõ ràng, dù anh ta không thừa nhận, và mức án cũng tương xứng. Nên không cần thiết phải hủy án.
Chiến thắng của Dietrich thực ra chỉ mang tính tinh thần, bởi khi này anh ta đã mãn hạn tù. Song nó đã tạo ra một tiền lệ quan trọng trong mọi phiên tòa trên đất nước: Bị cáo phải có luật sư chỉ định trong các phiên tòa xử trọng tội. Vụ án của anh ta được các trường luật khắp Australia bổ sung vào giáo án cho sinh viên năm đầu.
Đây cũng là thắng lợi lớn của ngành tư pháp Australia. Trong bối cảnh những năm 1990, việc những bị cáo nghèo đang bị cáo buộc tội hình sự nghiêm trọng được chỉ định luật sư bào chữa miễn phí là điều khá xa vời. Bởi việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho họ bị cản trở bởi các quyết định về ngân sách của chính phủ, cắt giảm 70 triệu USD ngân sách dành cho trợ giúp pháp lý. Chính sách đã dẫn đến việc các thẩm phán khắp nước phải hoãn các phiên tòa xử tội hình sự nghiêm trọng.
Sau phiên tòa của Dietrich, Tổng chưởng lý yêu cầu các tòa án nghiêm túc áp dụng nguyên tắc chỉ định luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo. Điều này cũng hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào ngành tư pháp thông qua việc cắt giảm ngân sách. Vụ án của Olaf Dietrich đến nay vẫn được giới tư pháp Australia công nhận trong 10 vụ tố tụng quan trọng nhất lịch sử.
Sau vụ án xoay chuyển lịch sử, Dietrich đánh lẽ có thể kiếm bộn tiền trên danh nghĩa một nhân vật nổi tiếng khiến thủ tục tố tụng quốc gia thay đổi, nhưng có vẻ anh ta vẫn trung thành với con đường của kẻ bất hảo.
Năm 1995, Dietrich bị kết ba tội vụ cướp có vũ trang, án tù 13 năm. Được tự do tháng 10/2004, anh ta lại phải hầu tòa vì tội sử dụng súng và sau đó là tội giết nhân viên bảo vệ trong một vụ cướp ngân hàng, tháng 3/2005.
Dietrich khi này đã có hơn 80 tiền án lớn nhỏ. Tại Tòa án Victoria vào tháng 6/2009, Dietrich bị kết tội giết người và bị phạt tù chung thân với thời hạn 30 năm không ân xá, tất nhiên, phiên tòa này Dietrich có luật sư. Ông ta kháng cáo năm 2014 nhưng bị cấp phúc thẩm bác đơn.
Tại Việt Nam, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân của họ không mời luật sư bào chữa, cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phải chỉ định luật sư bào chữa cho họ trong các trường hợp sau:
- Người bị buộc tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.
- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
(Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015)
Hải Thư (Theo High Court Australia, Sydney Law review, Migration Act)