Mùa thu năm 1803, một con tàu của Nga bị mất tích trên biển. Chủ tàu gửi đơn yêu cầu tiền bảo hiểm song một lá thư nặc danh gửi công ty bảo hiểm đã tiết lộ con tàu đã bị cố ý phá hoại để gian lận. Chủ tàu cho rằng John Bellingham ở London là kẻ đã viết thư "chỉ điểm" và trả đũa bằng cách tố John nợ 5.000 rúp.
Vì thế, John Bellingham khi chuẩn bị trở về Anh từ Nga ngày 16/1/1804 đã bị thu hồi thẻ du lịch vì khoản nợ bị cáo buộc, sau đó lĩnh một năm tù giam. Được tự do, John đến Saint Petersburg và tố cáo chính quyền thông đồng với chủ tàu bỏ tù oan mình. Kết quả, John đi tù thêm 4 năm nhưng vẫn chưa được phép rời khỏi Nga.
Trong cơn tuyệt vọng, John đã cầu xin Sa hoàng nhưng phải gần một năm sau mới được đặt chân về quê hương, tháng 12/1809. Anh ta cho rằng không chỉ bị chính quyền Nga bỏ tù oan mà còn bị chính phủ của mình, đặc biệt là đại biện Anh tại St Petersburg bỏ rơi.
Khi về đến nhà, John Bellingham bắt đầu kiến nghị chính phủ Vương quốc Anh bồi thường việc bị tù giam oan và không được Đại sứ quán Anh can thiệp bảo vệ.
Điều này bị từ chối vì Vương quốc Anh khi đó đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga vào tháng 11/1808. Vợ John đã thúc giục từ bỏ vấn đề này và anh đã miễn cưỡng dừng một vài năm.
Đến 1812, John tiếp tục đòi bồi thường. Ngày 20/4, John Bellingham mua hai khẩu súng lục cỡ nòng 0,50 (12,7 mm) từ một thợ súng ở cuối phố, nhờ thợ may khâu một túi bí mật trong vào áo khoác.
Vào thời điểm này, John xuất hiện ở sảnh của Hạ viện, đi lại đứng ngồi loanh quanh và chăm chú quan sát mà không làm gì cả. Ngày 11/5/1812 định mệnh, John ngồi đợi ở tiền sảnh Quốc hội, Cung điện Westminster, và nhận ra Thủ tướng Spencer Perceval, người nhậm chức cùng năm John được trả tự do khỏi nhà tù.
Ông Spencer Perceval hơn John 10 tuổi, là con trai của bá tước, tốt nghiệp 3 trường đại học danh giá trước khi hành nghề luật và trở thành cố vấn luật của nhà vua.
Ông tham gia chính trường ở tuổi 33 với tư cách là thành viên Quốc hội, ủng hộ cuộc chiến chống lại Napoléon và việc bãi bỏ buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương. Ông phản đối việc săn bắn, cờ bạc và ngoại tình. Ông không uống rượu nhiều như hầu hết nghị sĩ vào thời điểm đó, hào phóng làm từ thiện và thích dành thời gian cho 13 đứa con. Ông được đánh giá là người ôn hòa, đáng kính và có năng lực.
Sau khi tham gia chính trường muộn, ông lên nắm quyền nhanh chóng, được bổ nhiệm làm Tổng chưởng lý của Anh và xứ Wales, sau đó là Bộ trưởng Tài chính và Lãnh đạo Hạ viện và sau đó trở thành Thủ tướng vào năm 1809.
Spencer Perceval phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng trong nhiệm kỳ của mình nhưng đã vượt qua và giành được ủng hộ của nhiều người dân và chính khách và nhà vua, George IV.
Buổi chiều định mệnh, khoảng 17h15', Thủ tướng rảo bước vào cuộc họp muộn và bị John Bellingham đang ở hành lang đã nhanh như chớp rút súng bắn trúng ngực. Ông Spencer Perceval ngã xuống sàn, được khiêng sang phòng bên cạnh, bất tỉnh, dù mạch vẫn đập. Thủ tướng tử vong ngay sau đó.
Vụ ám sát làm dấy lên lo ngại rằng phát súng có thể báo hiệu sự bắt đầu của một cuộc bạo loạn chính trị nhưng nhà chức trách nhanh chóng nhận ra thủ phạm không hề cố gắng trốn thoát. John gục xuống và liên tục nói xin lỗi.
Khi qua đời, thủ tướng Spencer Perceval có 106 bảng Anh và một xu trong tài khoản ngân hàng. Vài ngày sau khi ông qua đời, Quốc hội đã bỏ phiếu quyết định giải ngân 50.000 bảng Anh cho gia đình ông cùng các khoản trợ cấp bổ sung hằng năm.
Ngày 15/5 cùng năm, John Bellingham bị xét xử về tội Cố ý giết người. Dù được gợi ý nhận tội với lý do bị bệnh tâm thần để được hưởng án tù có thời hạn, bị cáo này từ chối.
John Bellingham cay đắng đổ lỗi cho chính phủ vì đã không giải thoát anh ta khỏi nhà tù ở Nga, xin lỗi gia đình cố Thủ tướng và giải thích người muốn bắn là đại sứ Anh tại St Petersburg.
Bồi thẩm đoàn mất đúng 8 phút để tuyên bố John Bellingham có tội, kết án tử hình treo cổ, thi hành án sau đó 3 ngày.
Nói lời cuối cùng, John Bellingham hy vọng rằng vụ sát hại thủ tướng sẽ "là lời cảnh báo cho các bộ trưởng, thủ tướng tương lai, hãy hỗ trợ những đơn xin và lời cầu nguyện của những người phải chịu đựng sự áp bức".
Ngày 16/5, cố Thủ tướng Spencer Perceval được an táng trong một đám tang riêng tư. Tại nơi ông ngã xuống trong hành lang Quốc hội, bốn viên gạch lát sàn được lật theo hướng ngược để đánh dấu vụ án năm xưa.
Hải Thư (Theo History Today, Guardian, The Gazette, History Extra)