Người của ban tổ chức địa phương yêu cầu VTC gỡ máy khỏi địa điểm truyền hình trực tiếp. Ảnh: QT. |
Ngoài bốn trận đấu chính thức của lượt đấu sớm vòng 2 Super League, còn có ‘trận đấu thứ năm’ giữa các nhà đài và bản hợp đồng độc quyền của AVG.
Trước vòng đấu một ngày, VFF và VPF đã cùng ra hai công văn chỉ đạo trái chiều gửi các CLB chuyên nghiệp. Trong đó VFF yêu cầu tất cả các CLB bóng đá chuyên nghiệp và ban tổ chức địa phương thực hiện Bản quyền truyền hình đã ký với AVG trong quá trình tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2012. VFF chỉ đạo: “Tất cả các Đài truyền hình chỉ được phép vào sân để truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG như mùa giải năm 2011”.
Ở chiều ngược lại, công văn của VPF gửi đến các CLB lại có nội dung: “Đến thời điểm ký Công văn này, Công ty VPF vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc xác nhận quyền sở hữu hợp pháp bản quyền truyền hình của AVG".
"Công ty VPF đề nghị tất cả các CLB Bóng đá chuyên nghiệp, Ban tổ chức trận đấu địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các Đài truyền hình có nhu cầu truyền phát sóng trực tiếp trận đấu bóng đá tại địa phương do Ban tổ chức địa phương quản lý”.
Hai văn bản chỉ đạo trái chiều đã dẫn đến sự khó xử của ban tổ chức trận Hải Phòng – Navibank Sài Gòn khi không thông qua AVG, nhóm phóng viên của VTC vẫn đến tác nghiệp.
Ông Vũ Quang Huy và nhóm phóng viên VTC gọi điện cho lãnh đạo VPF. Ảnh: QT. |
Phó giám đốc VTC Vũ Quang Huy cho biết: “Khi tôi cùng với ekip của VTC tới sân Lạch Tray, một thành viên của BTC sân yêu cầu chúng tôi không được vào sân và lắp đặt các thiết bị cho việc tường thuật trực tiếp. Phía BTC sân và người của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giải thích cũng nhận được 2 công văn trái ngược nhau từ VFF và VPF nên họ phải cân nhắc lựa chọn và cuối cùng BTC sân đã quyết định theo công văn của VFF".
"Sau đó, chúng tôi liên hệ với Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng và với lời đảm bảo của ông với ban tổ chức, VTC đã tiến hành công việc bình thường. Mọi tranh cãi về bản quyền truyền hình tôi nghĩ cần phải chờ quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng có liên quan và khi chưa có được câu lời giải VTC vẫn trực tiếp các trận đấu ở Super League để phục vụ người hâm mộ”, ông Huy kể lại.
Người hâm mộ bày tỏ thái độ với vấn đề tranh chấp bản quyền truyền hình. |
Trên sân Lạch Tray, khi người của ban tổ chức đến can thiệp để dỡ máy quay của VTC, cổ động viên trên khán đài đã bày tỏ thái độ phản đối. Một biểu ngữ lớn với dòng chữ: "Có nhất thiết phải 20 năm không?" đã được người hâm mộ giơ lên.
Dù vậy, sau trận đấu, Sở VH-TT và DL Hải Phòng tổ chức cuộc họp về việc tranh chấp bản quyền với đại diện công an, thanh tra Sở, Ban tổ chức địa phương… để ghi lại sự việc theo đề nghị của AVG.
Loạt trận đầu tiên của vòng 2 Super League diễn ra không suôn sẻ trên các sóng truyền hình quen thuộc. Truyền hình Việt Nam (VTV) hoàn toàn đứng ngoài cuộc khi không truyền hình trực tiếp trận đấu nào trong ngày 7/1. Kênh H2 của đài Hà Nội chỉ truyền đúng 90 phút trận Hải Phòng – Navibank Sài Gòn, vì thế bàn thắng gỡ hòa vào phút bù giờ thứ ba đã bị bỏ lỡ. Còn khán giả xem VTC3 chỉ được theo dõi trận đấu từ phút 65 do lỗi đường truyền.
Ở vòng đấu trước, VTC đã bị giám sát ngăn cản và sau khi có sự can thiệp của VPF thì được ghi hình, phát sóng trận V.Ninh Bình-CS.Đồng Tháp, nhưng trên kênh VTC3 hình chỉ có từ phút 28.
Minh Hoàng