Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn gửi Thủ tướng báo cáo về tình hình nhập khẩu thép ồ ạt từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép trong nước.
Theo cơ quan này, trong năm 2015 tổng lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập vào Việt Nam là 19,9 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, sắt thép từ Trung Quốc chiếm tới 9,6 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 54%.
Riêng tháng 1/2016, nhập khẩu thép các loại đã là 1,7 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao đột biến như phôi thép tăng 231%. Sản lượng nhập khẩu tăng mạnh, trong khi giá phôi thép nhập khẩu bình quân tháng 1/2016 chỉ 269 USD một tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ.
"Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng phôi thép nhập vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016. Các nhà máy sản xuất phôi thép trong nước sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, mà thậm chí phải đóng cửa", VSA nhận định.
Cũng theo VSA, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đang hoạt động chỉ với 50% công suất. Sản xuất phôi thép năm 2015 chỉ đạt 5,6 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ do lượng nhập khẩu quá lớn, cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. Các loại phôi thép nhập khẩu với ưu thế về giá đã dần chiếm thị phần của doanh nghiệp trong nước.
Tháng 1/2016, sản xuất phôi thép trong nước đạt 292.000 tấn, giảm 67% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá thành sản xuất phôi trong nước khoảng 7,4-7,6 triệu đồng một tấn nên khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng đang lao đao do sản lượng nhập khẩu tăng hơn 106%, giá ngày càng rẻ đi, chiếm tới gần 56% thị phần.
"Trung Quốc đang tiếp tục chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam", VSA nhận định.
Trong bối cảnh thép ngoại nhập ồ ạt, các doanh nghiệp trong nước như: Tập đoàn Hoa Sen, Tôn Phương Nam, Thép Nam Kim,... đã liên kết để tiến hành kiện chống bán phá giá. VSA kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhập khẩu các sản phẩm thép. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại quyết liệt cho các doanh nghiệp thép trong nước.
Ngoài ra, Hiệp hội cho rằng các bộ ngành cần sớm ban hành tiêu chuẩn về phôi thép để dễ dàng kiểm tra khi nhập khẩu vào Việt Nam và xây dựng các hàng rào kỹ thuật…
Bạch Dương