Patrick Susmilch, 33 tuổi ở Los Angeles, dành khoảng 90 phút mỗi ngày để chơi game trên máy PlayStation và Nintendo Switch. Anh đang dự định mua một chiếc kính thực tế ảo VR khi buộc phải ở nhà và không thể đi leo núi trong đại dịch. Susmilch đã dùng thử Oculus từ năm 2013 và nghĩ rằng loại thiết bị này sẽ trở nên phổ biến trong Covid-19.
Theo AP, đại dịch đáng lẽ là giai đoạn để VR và AR bùng nổ, mang đến "lối thoát" cho hàng triệu hộ gia đình bị mắc kẹt ở trong nhà. Khi mọi thứ từ giải trí, học tập cho đến làm việc... đều diễn ra từ xa, nhiều chuyên gia kỳ vọng người dùng sẽ tương tác với nhau qua những công cụ như kính VR, găng tay điều khiển ba chiều... Nhưng trên thực tế, mọi người vẫn chuộng các giải pháp đơn giản, truyền thống và dễ tiếp cận hơn như Zoom, Nintendo Switch hay Netflix.
Mark Zuckerberg, CEO Facebook, cho rằng kính thông minh giúp con người giao tiếp từ xa mà không cần đi lại, tránh gây hại đến môi trường. Mạng xã hội này đã bỏ ra tới 2 tỷ USD để mua lại công ty Oculus từ năm 2012. Các đối thủ như HTC, Samsung cũng sớm gia nhập cuộc chơi.
Tuy nhiên, rào cản của nó không chỉ ở mức giá đắt đỏ cho phần cứng, mà còn ở việc tai nghe quá nặng và phần mềm chưa đủ nhuần nhuyễn khiến người đeo thấy chóng mặt. "Thật không dễ tập thể dục khi đeo thiết bị nặng cả kilogram trên đầu và tôi cũng không thoải mái khi đổ mồ hôi trực tiếp vào một món đồ điện tử trị giá 400 USD", Susmilch nói.
Trong cuộc họp với các nhà phân tích hồi tháng 4, Zuckerberg khẳng định kính VR sẽ phổ biến không chỉ trong chơi game mà sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các hoạt động như thể dục và phòng làm việc ảo.
"Tôi tin rằng AR và VR sẽ tạo cảm giác hiện diện và kết nối sâu sắc hơn bất kỳ nền tảng hiện có nào và sẽ là một phần quan trọng trong cách chúng ta tương tác với máy tính trong tương lai", CEO Facebook nói . "Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào việc xây dựng những trải nghiệm thực tế ảo tốt nhất và điều này chiếm một phần lớn ngân sách R&D tổng thể của chúng tôi".
Trong sự kiện F8 diễn ra trực tuyến rạng sáng 3/6, Facebook công bố chương trình thử nghiệm Multipeer API - một trong những nỗ lực của hãng để thu hút nhiều người trải nghiệm các tính năng thực tế ảo hơn. Công nghệ này cho phép các nhà phát triển tạo hiệu ứng AR "mang lại trải nghiệm thực tế ảo phối hợp và đồng bộ giữa nhiều người". Ví dụ, tất cả những người tham gia cuộc gọi video trên Messenger sẽ được áp dụng chung một hiệu ứng AR, như cùng đeo mũ chóp sặc sỡ để chúc mừng sinh nhật một thành viên trong nhóm.
Chris Barbour, Giám đốc quan hệ đối tác của Facebook, cho biết: "Chúng tôi hình dung về một thế giới được bao phủ bởi cảnh quan của các vật thể ảo, nơi con người chia sẻ, học tập và vui chơi cùng nhau, bất kể đang ở đâu".
Cũng trong sự kiện F8, Facebook công bố một số thay đổi khác như Messenger API trên Instagram để doanh nghiệp có thể tích hợp chức năng nhắn tin trên Instagram với các ứng dụng của họ, bổ sung tính năng Login Connect giúp người dùng dễ dàng nhắn tin với doanh nghiệp, người bán hàng hơn. Facebook cũng duyệt 15 ứng dụng e-commerce đầu tiên để đưa vào kho ứng dụng của hãng. Trong số này có NovaonX - ứng dụng Việt với các tính năng như quản lý đơn hàng trên mạng xã hội, tự động đăng bài theo kịch bản, chốt đơn qua livestream, chatbot ứng dụng AI tương tác với khách hàng...