Vpresso Coffee, thương hiệu thuộc công ty May Emerald, sử dụng hạt cà phê từ Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi có điều kiện tốt nhất để phát triển giống Arabica tại Việt Nam. Đơn vị kiểm soát nguyên liệu đầu vào và tự thực hiện các khâu kiểm duyệt cho tới rang xay...
Chia sẻ tại buổi khai trương phòng rang xay cà phê ngày 11/11, Tổng giám đốc Sung Seung Hoon cho hay, các hạt cà phê ngon không phải tẩm ướp hương liệu mà chỉ cần rang ở nền nhiệt độ và kỹ thuật khác nhau sẽ tạo được mùi vị riêng, ví dụ mùi chocolate, hoa quả...
Cũng bằng phương pháp này kết hợp với trộn tỷ lệ các giống cà phê phù hợp, Vpresso đang có 7 sản phẩm khác nhau mà không cần thêm chất phụ gia tạo mùi. Nhờ đó, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho khẩu vị thưởng thức riêng.
Các hương vị này được công ty đánh dấu theo từng số riêng như 30, 84, 05, 25, 50, 17, 37. Mỗi con số đều mang ý nghĩa riêng, ví dụ 37 là nhiệt độ cơ thể người, nên loại cà phê mang số này mang đến hương vị đậm nhưng cân bằng, kích thích nguồn năng lượng trong cơ thể. Số 17 tượng trưng cho tuổi 17, vị cà phê ngọt nhẹ, có mùi hoa quả khiến người thưởng thức cảm nhận được tuổi xuân...
"Các thành phẩm đều qua quá trình nghiên cứu, thử nếm rất nhiều mẫu theo các phương pháp sơ chế, rang ở mức độ khác nhau. Để từ hạt cà phê trở thành ly cà phê sẽ tốn khoảng 6 bước làm việc tỉ mỉ", Sung Seung Hoon chia sẻ.
Từ một lần sang Việt Nam du lịch và thưởng thức cà phê Việt truyền thống, ông Sung Seung Hoon đã quyết định thành lập công ty để mang hương vị này đến nhiều quốc gia trên thế giới.
"Năm 2007 là lần đầu tiên tôi sang Việt Nam. Khi đó, tôi lần đầu tiên thử vị cà phê nơi đây và đã phải thốt lên 'Thật tuyệt vời', tôi đã bị hương vị này quyến rũ", Sung Seung Hoon, Tổng giám đốc công ty May Emerald, đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê Vpresso chia sẻ về câu chuyện của mình.
Hàn Quốc là xứ lạnh nên không thể trồng cà phê mà phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sau khi thưởng thức hương vị cà phê truyền thống Việt Nam, anh bắt đầu tìm hiểu vì sao cà phê Việt không thực sự được biết đến rộng rãi trên thế giới. "Việt Nam chủ yếu sử dụng giống cà phê Robusta, đây là loại không phổ biến do lượng cafein nhiều, thường chỉ dùng để tăng vị đắng cho cà phê Arabica hoặc cung cấp cho ngành cà phê hòa tan", Sung giải thích.
"Tôi nghĩ Việt Nam là đất nước của cà phê, nhưng lúc này vẫn chưa nổi tiếng mà thôi. Ở đây, khí hậu, thổ những, điều kiện, giống cây đều thích hợp. Con người Việt Nam cũng rất yêu thích cà phê", anh nói. Từ đó, anh muốn tìm cách thay đổi quan niệm cà phê Việt Nam chất lượng không tốt với thị trường thế giới.
Năm 2011, Sung thành lập công ty chuyên nghiên cứu và xuất khẩu cà phê tại Việt Nam, dù vẫn điều hành một doanh nghiệp khác tại Hàn Quốc. Sung đầu tư 74.000 USD cho phòng thí nghiệm và trải nghiệm cà phê, đào tạo kỹ năng và kiến thức chuyên môn về pha chế cho nhân viên. Tới nay, công ty đã có 7 cửa hàng cà phê tại Hà Nội. "Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với các đối tác và dự kiến đầu 2016 sẽ xuất khẩu những hợp đồng cà phê đầu tiên đi quốc tế", vị Tổng giám đốc 35 tuổi chia sẻ.
Hải Khanh