Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của VPBank tăng lên hơn 45.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank.
Trước đó, đầu tháng 9, Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) cũng thông qua việc triển khai phương án tăng vốn.
Nhà băng này dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 62,15% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17,85%. Tổng tỷ lệ chi trả là 80%, tương đương việc phát hành thêm 1,97 tỷ cổ phiếu.
Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị gần 19.758 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021. Số cổ phiếu được phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn lực để VPBank tăng vốn với tỷ lệ cao một phần đến từ việc thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng. Cuối tháng 4, ngân hàng này và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) đã ký thỏa thuận bán 49% vốn tại FE Credit. Mức định giá FE Credit là 2,8 tỷ USD, với giá trị thương vụ bán cổ phần đạt 1,37 tỷ USD.
Minh Sơn