Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khoản vay 150 triệu USD từ IFC sẽ có kỳ hạn 5 năm. Số tiền này được dùng để bổ trợ cho danh mục cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Đại diện VPBank cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đơn vị luôn không ngừng tìm kiếm các nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý. Chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh của nhiều khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp SME hiện chiếm tới 90% doanh nghiệp trên cả nước.
"Qua đó, VPBank mong muốn chung tay cùng Chính phủ ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch", đại diện VPBank chia sẻ.
IFC là thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, quy mô hoạt động trên 100 quốc gia. Kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 2016, IFC đã giải ngân nhiều khoản vay trị giá hàng trăm triệu USD cho VPBank.
Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình tài trợ cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, IFC đã cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho VPBank trong năm 2020. Hoạt động này đã giúp ngân hàng tăng cường thanh khoản, để tiếp tục giải ngân các khoản vay mới và giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng doanh nghiệp. Cũng trong năm 2020, IFC cùng các nhà đồng tài trợ quốc tế khác đã cấp cho VPBank một khoản tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong chuỗi các khoản vay quốc tế được ký kết và rút vốn thành công của VPBank trong năm 2022, có thể kể tới thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD mới được ký kết trung tuần tháng 11 vừa qua. 5 định chế tài chính lớn tham gia cung cấp khoản vay cho VPBank bao gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Thu Hương