Theo thống kê của VPBank, tính đến 4/5, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp. Tổng số dư nợ được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5% đến 3% mỗi trường hợp.
Nhằm giải quyết lượng hồ sơ khổng lồ mỗi ngày, giảm bớt gánh nặng vay của khách hàng trong thời điểm khó khăn, VPBank triển khai nhiều biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Bên cạnh thống nhất quy định về giảm, giãn nợ trên toàn hệ thống, ngân hàng này nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống phân loại, xử lý hỗ trợ tự động.
"Nếu như trong tháng 3, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể mất tới 4 ngày làm việc, thì nay rút ngắn xuống còn 1 ngày", đại diện ngân hàng này cho biết. Thậm chí, với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank, thời gian giải quyết chỉ trong vòng 4 tiếng.
Theo đó, phương án hỗ trợ chi tiết từ ngân hàng sẽ bao gồm cả việc giãn nợ và giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giải ngân nhanh chóng với lãi suất thấp cho khoản vay mới để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các khách hàng cá nhân có những khoản vay dưới 100 triệu đồng còn có thể sử dụng hệ thống đề nghị hỗ trợ trực tuyến của VPBank với tính năng phê duyệt tự động chỉ trong vòng 1 giờ. Hồ sơ sau khi hoàn thiện có thể gửi trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ ngân hàng hoặc đến tận nơi.
VPBank cũng tập trung hỗ trợ xử lý đối với các khách hàng đề nghị vay vốn mới, đơn giản hóa tối đa quy trình thủ tục, nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng. Nhà băng này cho biết hiện có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới, tương đương 18.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh.
Với nhu cầu được giảm, giãn nợ của các khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương, VPBank cho biết đã có gần 13.000 hồ sơ được xử lý với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh. Khách hàng được giải quyết giảm, giãn nợ dựa trên các điều kiện như không khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch bệnh. Thời gian đánh giá từ cuối tháng 1 đến sau 3 tháng kể từ ngày công bố hết dịch bệnh.
Bên cạnh việc giảm, giãn nợ, VPBank cũng giữ nguyên nhóm nợ, không áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn với nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1.
Ngoài các giải pháp tài chính hỗ trợ khách hàng từng phân khúc, VPBank còn có giải pháp hỗ trợ phi tài chính khác. Đơn cử như khóa đào tạo kinh doanh online miễn phí dành cho các tiểu thương vốn quen với kinh doanh theo mô hình chợ truyền thống, tổ chức các tọa đàm trực tuyến cho SMEs...
"Tình hình dịch bệnh dù có kết quả bước đầu khả quan nhưng diễn biến thời gian tới còn phức tạp, VPBank đã có phương án cân đối nguồn lực trong thời gian ít nhất 6 tháng tới nhằm đảm bảo tình hình kinh doanh, đồng thời hỗ trợ các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch", đại diện VPBank chia sẻ.
Phong Vân