Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 5.050 tỷ đồng lên 5.770 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn được Đại hội cổ đông thường niên ngân hàng này thông qua hồi tháng 4, VPBank tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Ngân hàng này cũng có 12 tháng từ ngày 2/11 để hoàn tất việc tăng vốn. Trong trường hợp kế hoạch này bất thành trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông VPBank thay đổi phương án tăng vốn điều lệ thì việc chấp thuận này không còn giá trị. Năm 2012, VPBank đặt mục tiêu đạt 1.300 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. Trao đổi với VnExpress.net cách đây nửa tháng, một thành viên ban tổng giám đốc của VPBank cho biết lợi nhuận quý III của ngân hàng dù vẫn tăng nhưng không thể giữ được đà tăng trưởng như các năm. Không riêng gì VPBank, phần lớn các ngân hàng thông báo sụt giảm lợi nhuận trong quý III.
Nhiều ngân hàng khó tăng vốn kịp trong năm 2012. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Cộng thêm vào đó, một số chuyên gia cũng lo ngại kế hoạch tăng vốn điều lệ mà nhiều nhà băng vạch ra từ mùa Đại hội cổ đông thường niên đầu năm khó thành. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Năm nay thực sự các ngân hàng gặp nhiều khó khăn nên việc một số đơn vị không đạt được kế hoạch tăng vốn thì không có gì đáng ngạc nhiên. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp thì đương nhiên lợi nhuận của họ cũng bị ảnh hưởng".
Vào mùa Đại hội cổ đông thường niên đầu năm, rất nhiều nhà băng nhỏ vẫn lên kế hoạch tăng vốn. Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa ra kế hoạch nâng vốn từ 3.400 tỷ lên 4.000 tỷ đồng. NamA Bank lên kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. ABBank xây dựng chỉ tiêu nâng vốn từ mức 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. VietA Bank cũng muốn nâng vốn len 5.000 tỷ đồng Trong đó, một lãnh đạo của ABBank cho biết kế hoạch tăng vốn sẽ không bị ảnh hưởng bởi ngân hàng dự kiến tăng vốn bằng việc tiến hành chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi và việc này sẽ được thực hiện trong năm nay.
Thanh Thanh Lan