Ông Gauraw Srivastava, Giám đốc Trung tâm khách hàng ưu tiên và Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã nêu quan điểm về tầm quan trọng của phân khúc và vai trò trung tâm của VPBank trong việc thúc đẩy thị trường quản lý tài sản, thông qua nâng cao trình độ đội ngũ bán hàng và phát triển tệp khách hàng. Đồng thời, ông cũng phân tích về tiềm năng phát triển của lĩnh vực quản lý tài sản tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
"Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhờ môi trường năng động, dân số trẻ, của cải gia tăng. Hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường cận biên, đang được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tại thời điểm thuận lợi này, Việt Nam mang tới nhiều cơ hội lớn cho lĩnh vực quản lý tài sản", vị Giám đốc cho biết.
Thị trường tăng trưởng năng động
Giám đốc VPBank nhận định mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua chạm mức 7% cho thấy sức bật mạnh mẽ. Việt Nam hiện được xem là điểm đến thay thế cho sản xuất chế biến trong khu vực với nhiều ngành dịch vụ mới đang mở ra, mang lại sự đa dạng cho nền kinh tế.
Mặt khác, theo báo cáo Thịnh vượng 2021 (Wealth Report), Việt Nam hiện có gần 20.000 người sở hữu hơn 1 triệu USD giá trị tài sản đầu tư. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 25.800 người trong năm 2025.
Ông Srivastava cho biết người dùng phân khúc này có nhu cầu tương đối phức tạp, quan tâm tới đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu niêm yết và các kênh đầu tư thay thế và có yêu cầu cao về dịch vụ ngân hàng cao cấp. Trong 12 tháng qua, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng kỷ lục qua từng tháng, phần lớn trong số đó là các nhà đầu tư mới và trẻ tuổi.
Đặc điểm nhân khẩu học nổi bật
Theo phân tích của vị Giám đốc VPBank, hai phần ba trong số 100 triệu người dân Việt Nam thuộc độ tuổi dưới 35. "Đây là những người trẻ giàu hoài bão, không ngại dấn thân, theo đuổi giấc mơ. Họ bắt đầu tiết kiệm từ sớm để đạt mục tiêu. Điều đó giải thích cho việc họ tìm đến các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản của chúng tôi", ông Srivastava chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh tới tinh thần kinh doanh ngày càng rõ nét của Việt Nam với hàng triệu chủ doanh nghiệp đang dẫn dắt làn sóng kinh tế trong giai đoạn Việt Nam ngày càng phát triển, bao gồm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương. Số lượng khách hàng là chủ doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 50-60% thị trường quản lý tài sản.
Giải pháp quản lý tài sản
Ông Gauraw cho biết VPBank tự định hình và xác định phát triển như một công ty tư vấn. Ngân hàng tư vấn cho người dùng tất cả những giải pháp liên quan đến thanh toán, tiền gửi, cho vay... VPBank Diamond là dịch vụ ngân hàng ưu tiên của VPBank, với các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế chuyên biệt cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu tài chính cao cấp.
Đối với nhiều khách hàng ưu tiên cao cấp (HNW) và siêu cao cấp (UHNW), những buổi tư vấn thường xoay quanh xây dựng danh mục đầu tư theo từng loại tài sản dựa trên mục tiêu tài chính, mức độ chịu rủi ro và thời hạn đầu tư. Ngoài ra chủ đề còn có thể mở rộng sang tư vấn kế hoạch thừa kế và phân chia tài sản.
VPBank đang lấn sâu hơn vào phân khúc cao cấp với mục tiêu mang đến dịch vụ tư vấn cá nhân hóa tuyệt đối tới từng khách hàng. Hiện VPBank Diamond đang phục vụ hơn 100.000 khách hàng ưu tiên, quản lý hơn 5 tỷ USD giá trị tài sản.
"Đó là kết quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ VPBank với mục tiêu mang đến những giải pháp phù hợp cho mọi phân khúc bao gồm khách hàng ưu tiên cao cấp, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân... thông qua các hoạt động chăm sóc, tri ân khách hàng, quản lý thanh khoản hay đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài sản", Giám đốc VPBank chia sẻ.
Hiểu biết chuyên môn và luật pháp
Giám đốc VPBank cho biết mức độ hiểu biết của khách hàng và chuyên môn của chuyên gia tư vấn đầu tư là một trong những yếu tố then chốt phát triển thị trường quản lý tài sản trong nước. VPBank Diamond không ngừng đầu tư đào tạo cán bộ tuyến đầu, trang bị để họ trở thành những chuyên gia tư vấn, hướng dẫn khách hàng đúng trọng tâm, làm rõ những lợi ích, rủi ro, hiểu và giải thích chính xác các sản phẩm khác nhau... Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với đối tác tổ chức các chương trình truyền thông với sự tham gia trực tiếp của khách hàng.
Yếu tố then chốt còn lại là nâng cao khung pháp lý. Ông Srivastava cho biết sự cải thiện của hệ sinh thái pháp lý, như tốc độ hiện tại, sẽ tạo thêm nhiều chất xúc tác. Chẳng hạn như có thêm hình thức ưu đãi thuế, mô hình phân phối rõ ràng hơn, công bố sản phẩm minh bạch hơn... các yếu tố đó hợp lại sẽ giúp đẩy nhanh toàn bộ quy trình. Theo ông, các ngân hàng là trung tâm trong quy trình này bởi họ là đối tượng nhận tiền gửi và có thể đóng vai trò mấu chốt trong triển vọng chung sau này.
Xây dựng đội ngũ nhân sự lành nghề
Giám đốc Gauraw Srivastavachia cho biết một trong những thách thức lớn của VPBank là tìm kiếm nhân tài. Lực lượng nhân tài ngoài thị trường hạn chế, đồng nghĩa với ngân hàng cần tập trung xây dựng sức mạnh nội tại, thông qua việc tổ chức các chương trình mà ông gọi là "trại tập huấn", cường độ từ thấp đến cao.
Chuyên viên quan hệ khách hàng (Relationship Manager) và chuyên gia tư vấn đầu tư (Investment Advisor) phải đáp ứng những yêu cầu nhất định trước khi tham gia chương trình tiếp theo. Mỗi người phải hiểu rõ những thách thức và lợi ích, đồng thời đặt ra tầm nhìn dài hạn cho sự nghiệp.
Ngoài ra, VPBank cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh quá trình số hóa. Hiện toàn bộ hành trình người dùng trên nền tảng ngân hàng đều tự động hóa. Đơn vị cho biết dự kiến tiến hàng tự động hóa toàn bộ hành trình khách hàng ưu tiên trong vòng 12 tháng tới, từ giai đoạn chào mừng tới thiết lập hồ sơ, thấu hiểu khách hàng nhằm xây dựng các giải pháp và bộ danh mục phù hợp. Với các định hướng và hành động rõ ràng, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng gấp hai số lượng khách hàng ưu tiên trong năm 2021.
Thy An