Theo số liệu của ngân hàng SoftBank Group (Nhật Bản), năm 2016 có khoảng 1.500 dự án khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Với sự tăng trưởng nhanh chóng của các startup, việc gặp phải các vấn đề về tài chính, quản trị và thiết sót về kinh nghiệm là điều không thể tránh khỏi.

VPBank chi một triệu USD hỗ trợ cộng đồng startup.
Theo lãnh đạo VPBank, dự án VPBank StartUp sẽ giúp các công ty khởi nghiệp giải quyết khó khăn đó, giúp các doanh nghiệp này lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn, từ đó tạo ra tác động lan tỏa tới xã hội và nền kinh tế nói chung.
Từ tháng 9/2017, VPBank StartUp lựa chọn và tài trợ vị trí làm việc tại UP@VPBank Láng Hạ cho 7 startup thuộc các nhóm ngành từ dịch vụ, fin-tech, bảo mật, dịch vụ nhân sự…. Trong năm đầu của dự án, dự kiến, ngân hàng sẽ dành 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ nơi làm việc cho các startup tại Up@VPBank.

Văn phòng UP@VPBank.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn truyền thông Lê đánh giá cao dự án VPBank StartUp. Ông nhận định, đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi các công ty fintech (công nghệ trong lĩnh vực tài chính) và các startup trong lĩnh vực sáng tạo khác được hỗ trợ phát triển, được đào tạo và tư vấn phát triển sản phẩm, hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư.
"Số tiền 1 triệu USD dành cho chương trình CSR này có thể lại là khoản đầu tư gieo mầm cho một cộng đồng startup trưởng thành trong tương lai", ông Vinh nhấn mạnh.
VPBank StartUP đánh dấu bước đi mới của Ngân hàng trong việc triển khai các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), trong đó tập trung vào việc hỗ trợ toàn diện cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

VPBank sẽ hỗ trợ không gian làm việc, chi phí vận hành, đào tạo huấn luyện...
Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững chung mà nhiều công ty lớn đang đẩy mạnh khi thực hiện trách nghiệm xã hội doanh nghiệp CSR. Thay vì thực hiện các hoạt động từ thiện để bù đắp cho các thiệt hại do hoạt động kinh doanh hoặc thiên tai gây ra như trước đây, các đơn vị này tập trung vào các vấn đề mà họ có thể tham gia giải quyết một phần.
Đó là hình thái mới - CSR 2.0. Nhiều công ty đã xây dựng thành công mô hình CSR với ba nền tảng chiến lược là bền vững về nhân văn (Human Sustainability), bền vững về môi trường (Environment Sustainability) và bền vững về tài năng (Talent Sustainability).
Điển hình như Coca-Cola, yếu tố bền vững luôn được lồng ghép vào mọi khía cạnh hoạt động của công ty, đặc biệt tập trung nhiều vào lĩnh vực môi trường. Hay hãng Davines áp dụng chính sách vô hại đầu tiên cho bao bì dòng sản phẩm của mình. Lượng CO2 thải ra bởi quá trình sản xuất bao bì sẽ được bù đắp bởi việc bảo vệ và trồng rừng tại những khu bảo tồn thiên nhiên ở Italy và Costa Rica.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia cũng áp dụng xu hướng CSR 2.0. Tiêu biểu như dự án "Zero Waste to Nature - Không xả thải vào môi trường tự nhiên" với sự tham gia của ba công ty tiên phong là Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam.
Huệ Chi