Sáng 30/11, anh Nguyễn Đình Ngọc (33 tuổi, trú xã Tân Hợp, Hướng Hoá) đến Trung tâm y tế huyện Hướng Hoá để thăm khám vết thương bị voọc cắn. Anh này bị 2 vết thương phần mềm ở chân phải khâu 8 mũi, trong đó một vết cắn trúng xương. Do dị ứng nên bệnh nhân không thể tiêm thuốc, được cho về nhà điều trị, theo dõi thêm.
Trước đó khoảng 16h ngày 29/11, anh Ngọc chạy xe máy, chở lương thực vào cho người dân thôn Sê Pu (xã Hướng Lập). Khi qua khỏi ngã 3 giao giữa đường Hồ Chí Minh và đường dẫn vào thôn Sê Pu, anh bất ngờ bị một con voọc tấn công từ phía sau. "Nó nấp trong bụi cây, chờ mình đi vào đoạn đường trơn, chạy chậm thì nhảy ra cắn", anh Ngọc kể.
Lúc đó anh Ngọc mang theo gậy ở tay trái để phòng bị, nhưng đường trơn và con voọc quá nhanh nên anh không thể phản ứng. Anh đi tiếp một đoạn thì bị voọc cắn lần thứ 2, vào cùng một chân nhưng khác vị trí. Đến khi voọc tấn công lần thứ 3, anh Ngọc dừng xe, cầm đá dọa ném thì nó mới bỏ đi. Nạn nhân sau đó được chị gái chở đến sơ cứu tại Trạm y tế xã Hướng Lập.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá, cho hay đơn vị này đã sửa lại một số đoạn lưới bị hư hỏng do mưa lũ trong tháng 10/2020, đồng thời làm thêm 400 m lưới kéo dài về phía thôn Sê Pu để ngăn voọc ra đường cắn người. Như vậy, đến nay, nhà chức trách Quảng Trị chăng đoạn lưới dài 1,2 km, cao từ 2 đến 3 m để ngăn voọc. Tuy nhiên, sau thời điểm chăng lưới, vẫn có 3 người dân bị voọc cắn phải đến trạm y tế sơ cứu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đề nghị hỗ trợ chuyên gia, tìm giải pháp xử lý đàn voọc thường xuyên ra đường cắn người.
"Quan điểm của chúng tôi là bảo tồn tại chỗ, giữ voọc lại khu vực này để phát triển du lịch sinh thái về sau. Dự kiến, một đến 2 tuần tới, Sở sẽ họp bàn với chuyên gia từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng", bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị nói.
Trong các ngày 7 và 17/11, voọc 2 lần ra đường cắn người, khiến một nạn nhân khâu 9 mũi, một bị xây xước, trầy da, có dấu răng voọc.
Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), 3 con voọc Hà Tĩnh đã tấn công 11 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân. Người dân khi qua khu vực này phải mang theo gậy phòng bị, hoặc đi theo nhóm đông người, nhưng vẫn thường xuyên bị tấn công.
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.