Bảo vệ môi trường, theo tôi không phải là một bài cảm nhận, một vài hình ảnh hay là một clip đơn giản. Chúng có thể làm con người lay động tâm hồn một lúc nào đó nhưng rồi chúng ta sẽ lãng quên chúng theo năm tháng. Thay vào đó chúng ta phải hành động để bảo vệ lợi ích của chúng ta và cả môi trường. Hướng phát triển của hành động bảo vệ môi trường, là sự phát triển hài hòa giữa mối quan hệ lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững môi trường. Ý tưởng của tôi bắt đầu bằng suy nghĩ như thế. Ý tưởng “ Vòng tuần hoàn của giấy in báo” bắt đầu từ suy nghĩ thực tế và khách quan. Với những mục tiêu cơ bản là tạo ra sự ổn định về nguồn giấy cung cấp cho việc in báo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chính giấy báo là rác thải gây nên.
![]() |
Ảnh do tác giả cung cấp. |
Các tổ chức hay các tờ báo có hình thức là báo giấy nên áp dụng ý tưởng này trước. Bằng cách vừa kinh doanh vừa thu gom các loại giấy báo mà chúng ta bán ra thông qua các đại lý. Sau đó chúng ta tiến hành tái chế giấy và tiếp tục in báo trên giấy tái chế đó. Như thế chúng ta tạo ra được một vòng tuần hoàn như vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên vậy. Điều này hết sức có ý nghĩa vì chúng ta giảm được một lượng lớn cây rừng bị chặt phá để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Tạo nhận thức cho chính người dân, người mà chúng ta lúc nào cũng kêu gọi họ bảo vệ môi trường, đó chính là tấm gương hay hành động thiết thực mà chúng ta cần thể hiện. Có thể chúng ta có con đường tái chế rác từ người thu mua ve chai dạo hay các cơ sở tái chế nhỏ. Tại sao chúng ta không tự làm và bắt tay làm để giảm thiểu chi phí phát sinh và tạo được ý thức bảo vệ môi trường ngay ở những độc giả? Kế hoạch thực hiện ý tưởng “ Vòng tuần hoàn của giấy in báo” được thực hiện qua ba bước sau đây:
Bước 1: Tạo vùng cung cấp nguyên liệu để tái chế. Sử dụng phương thức đổi báo cũ lấy báo mới theo một giá cả phù hợp. Chúng ta sẽ tạo ra sự giao tiếp qua lại về mặt kinh tế giữa độc giả và chúng ta. Từ các độc giả đến các cơ sở đại lý báo nhỏ đến đại lý lớn và cuối cùng là đến chúng ta.
Bước 2: Liên kết hay xây dựng cơ sở tái chế. Nếu nhu cầu và vốn của chúng ta đủ thì chúng ta có thể xây dựng và vận hành cơ sở tái chế giấy của riêng chúng ta. Nếu không các hợp đồng ký kết dài hạn sẽ được ký đủ để tạo sự ổn định cho nguồn giấy in mà cơ sở in ấn của chúng ta cần.
Bước 3: In ấn trên giấy tái chế và tạo ý thức bảo vệ môi trường từ những tờ báo được in từ giấy tái chế đó. Việc in ấn thì diễn ra bình thường như việc in trên giấy mới, có cái khác ở mỗi viền nhỏ của tờ báo ta in dòng chữ “ Báo được làm từ giấy tái chế” sẽ thành thương hiệu đó. Thời buổi này ai cũng quan tâm đến bảo vệ môi trường mà đọc một tờ báo làm từ giấy tái chế sẽ oai hơn và trí thức hơn một tờ báo làm từ giấy mới. Rồi con của độc giả sẽ thắc mắc “ tái chế” là gì vậy ba? Sẽ có cách giải thích hợp tình hợp lý.
Cứ tiếp tục duy trì như thế. Chúng ta có thể làm ra những tờ báo bằng chính những tờ báo cũ của ta vào tuần trước, tháng trước hay thậm chí là ngày hôm kia. Các độc giả nhận thấy chúng ta không chỉ nói mà còn hành động, hành động vì cộng đồng, hành động vì môi trường. Một hành động có lợi cho cả chúng ta và cả hành tinh này, tại sao ta không dám thử chứ?
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, chùm ảnh, video mô tả thực trạng môi trường hư ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB. Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây |
Trần Duy Khanh