Ngày 30/6, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip ra nước ngoài. Quy định có hiệu lực từ 1/9 và doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất là ASML, trong khi quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng nhất là Trung Quốc.
Ngay sau động thái của Hà Lan, Trung Quốc lên án Mỹ đã ép các quốc gia khác áp đặt biện pháp phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc, "phá hoại quy tắc thị trường và thương mại quốc tế" cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đã được cảnh báo trước
Giới chuyên gia nhận định ASML sẽ gặp khó trong việc xuất khẩu các hệ thống sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Trong đó, mẫu Twinscan NXT:2000i trở về sau, vốn sử dụng công nghệ quang khắc cực tím (EUV) được dùng cho các tiến trình 7 nm và 5 nm, không thể được bán sang quốc gia tỷ dân trừ khi có giấy phép. Các mẫu như Twinscan NXT:1980i hay Twinscan NXT:1980Di dùng công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) cũ hơn và dùng cho sản xuất chip trên tiến trình trên 10 mn vẫn được phép xuất khẩu, nhưng không đủ cho tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc.
Lệnh cấm mới không gây bất ngờ vì ngay từ tháng 3, ASML từng cảnh báo quy định hạn chế xuất khẩu có thể bị mở rộng. Khi đó, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn là cần thiết "vì lợi ích của an ninh quốc gia và quốc tế", dù không đề cập đến quốc gia nào.
Trả lời phỏng vấn với Financieele Dagblad, Tan Jian, đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan, cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại đến quan hệ giữa hai chính phủ và Hà Lan có nguy cơ mất vị trí dẫn đầu về công nghệ sản xuất chip nếu tự cắt đứt khỏi thị trường lớn nhất thế giới.
Tham vọng bị thu hẹp
Quy định mới nhất từ Hà Lan vẫn đang tạo điều kiện cho công ty Trung Quốc sử dụng thiết bị cấp thấp hơn của ASML, như Twinscan NXT: 1980Di. Tuy nhiên, áp lực của Mỹ có thể khiến Hà Lan còn tiếp tục thay đổi.
Reuters dẫn nguồn tin ẩn danh rằng Washington dự kiến áp đặt một quy tắc mới, trong đó có thể đưa cả những mẫu máy cũ như Twinscan NXT:1980Di ra khỏi tầm tay Trung Quốc. Khi đó, nước này sẽ không còn nhiều thiết bị để sản xuất chip.
Tại hội nghị Semicon China ở Thượng Hải ngày 29/6, một số chuyên gia nhận xét trong lĩnh vực sản xuất chip, "toàn cầu hóa đã chết". Wei Shaojun, Giám đốc Viện Vi điện tử của Đại học Thanh Hoa và là quan chức của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, cho rằng nước này là "nạn nhân lớn nhất của quá trình phi toàn cầu hóa" trong ngành chip nói riêng và bán dẫn nói chung.
"Khi toàn cầu hóa bị phá hủy, sẽ có những lỗ hổng lớn vì Trung Quốc không thể hiện thực hóa việc phân bổ nguồn lực trên toàn cầu", ông Shaojun nói.
Một số chuyên gia đánh giá tham vọng bán dẫn của Trung Quốc đang khó khăn chồng chất. "Trung Quốc giờ đây ngày càng khó có cơ hội xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn mũi nhọn. Rất khó", nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein nói với Bloomberg.
Tuy nhiên, Trung Quốc được kỳ vọng có thể tìm ra con đường khác. "Phương thức hợp tác công nghiệp truyền thống đang đối mặt với thách thức nhưng cũng tạo nhiều cơ hội mới. Trung Quốc có thể tập trung vào vật liệu và linh kiện chip, cũng như tự phát triển khả năng sản xuất chip tiên tiến", Han Di, Phó chủ tịch cấp cao của SMIC - công ty đúc wafer lớn nhất Trung Quốc, nói với SCMP.
Hồi tháng 1, Peter Wennink, CEO của ASML, cũng tin các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ với Trung Quốc cuối cùng có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ sản xuất chip của riêng họ. "Bạn càng đặt họ dưới áp lực, họ sẽ càng nỗ lực gấp đôi", Wennink nói với Bloomberg, đề cập khả năng Trung Quốc tạo máy in thạch bản có thể cạnh tranh với ASML.
Bảo Lâm