Cuộc thi Speak to Lead được Đại sứ quán Mỹ phối hợp tổ chức cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI và các trường THPT chuyên trên cả nước. Sau hai vòng thi trực tuyến kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội.
Tranh tài tại vòng chung kết là 5 đội: THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang); THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn); THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông); THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu); THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng).
Với chủ đề "Tuổi trẻ Việt Nam - đại sứ tương lai trong quan hệ Việt Nam - Mỹ", vòng thi chung kết diễn ra sôi nổi và thu hút nhiều ý tưởng, đề xuất thú vị của các thí sinh trên nhiều lĩnh vực. Trải qua các phần thi hùng biện và phản biện gay cấn, đội thi đến từ trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đã xuất sắc vượt qua 4 đối thủ xuất sắc còn lại để giành ngôi vị quán quân của cuộc thi.
Các đội xếp hạng Nhì và Ba lần lượt là trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) và THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng). Bên cạnh đó, giải "Đội có ý tưởng hùng biện hay nhất" và "Đội có thần thái hùng biện hấp dẫn nhất" theo bình chọn của khán giả thuộc về đội trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Trong vòng chung kết, phần thi của đội trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) tiếp cận chủ đề: trao đổi học sinh giữa hai nước. Các thí sinh đưa ra ý tưởng lựa chọn những thanh niên xuất sắc, có tư duy đổi mới ở hai nước và thực hiện việc trao đổi với nhau để học tập. Sau khi tốt nghiệp, những thanh niên đó sẽ đem những kiến thức mình được trang bị để quay về đất nước, góp phần hỗ trợ phát triển mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Trong khi đó, đội THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đề xuất chiến lược hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ thông qua giáo dục với hình thức cử ra mỗi tỉnh hoặc thành phố một đại sứ. Đại sứ này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu và triển khai giải pháp cho các vấn đề tại địa phương đó.
Cũng lựa chọn tiếp cận chủ đề ở khía cạnh giáo dục, đội trường THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đưa ra ý tưởng về dự án thiện nguyện "Tiếng Anh cộng đồng" hướng đến mục tiêu trang bị kiến thức giao tiếp tiếng Anh cho dân tộc thiểu số với sự phối hợp của chính quyền địa phương và Đại sứ quán Mỹ.
Đội trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) lựa chọn lối đi riêng với dự án giáo dục thông qua các nền tảng trực tuyến mang theo hy vọng giúp học sinh ở các vùng xa có cơ hội học tập và phát triển bình đẳng như học sinh ở các thành phố lớn.
Riêng đội trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) chọn tiếp cận chủ đề của vòng chung kết từ khía cạnh du lịch văn hóa với dự án mang tên "Tuổi trẻ chung tay" nhằm thúc đẩy du lịch của địa phương và lan tỏa các giá trị văn hoá đến với bạn bè quốc tế.
Sau mỗi màn hùng biện về chủ đề, các thí sinh tiếp tục có phần đấu trí căng thẳng trong phần phản biện. Mỗi đội thi lần lượt trả lời những câu hỏi từ phía ban giám khảo và một câu hỏi đến từ đội đối thủ. Nhiều câu hỏi được đưa ra tập trung vào vấn đề hiện thực hóa ý tưởng và khía cạnh phát triển ý tưởng dưới góc độ đại sứ ngoại giao. Bằng sự thông minh và nhanh nhạy, các thí sinh của 5 đội đều đưa ra những quan điểm phản biện sắc bén, tạo nên không khí tranh luận sôi nổi.
Trong cương vị ban giám khảo, Thạc sĩ Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc SACE College Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Giáo dục Hanoi Adelaide School đánh giá cao phần thể hiện xuất sắc của các thí sinh.
Bà cho biết, cả 5 đội thi có khả năng diễn đạt Tiếng Anh trôi chảy và phong thái hùng biện tự tin trên sân khấu. Các bạn xây dựng nội dung bài thi có chiều sâu và tính khả thi nhất định khi lựa chọn khai thác đề tài mà bản thân thực sự quan tâm hoặc thế mạnh của địa phương mình. "Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao hơn cả và quyết định dành điểm số cao nhất cho đội trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu vì ngoài trình độ ngoại ngữ và chất lượng bài thi, các thí sinh đến từ An Giang còn thuyết phục ban giám khảo với khả năng ứng biến linh hoạt khi gặp sự cố", bà Cúc Hà nhận xét.
Nguyễn Hoa Minh An, trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) chia sẻ, "Speak to Lead" là cơ hội quý giá giúp thí sinh được trải nghiệm khả năng thuyết trình trước đám đông trong một cuộc thi mang tầm quốc tế. Thông qua cuộc thi này, thí sinh biết thêm rất nhiều kiến thức xoay quanh mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, trau dồi thêm một số kỹ năng mềm như kỹ năng hùng biện, phối hợp làm việc nhóm và hoàn thiện thêm khả năng biểu đạt ngôn ngữ khi trình bày vấn đề.
Ba đội Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi nhận được kỷ niệm chương, cúp và các suất học bổng trực tuyến do HOCMAI tài trợ trị giá 4 triệu đồng dành cho mỗi thí sinh. Ngoài ra còn có vé mời tham dự hội thảo "Thought Leaders Conference 2020" do Đại sứ quán Mỹ tổ chức, "Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ - Việt Nam 2020" do Amcham Hanoi phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Mỹ thực hiện. Bên cạnh đó, đội thi đạt giải phụ sẽ nhận 3 suất học bổng trực tuyến do HOCMAI tài trợ trị giá 4 triệu đồng một suất cùng giấy chứng nhận do Đại sứ quán Mỹ cấp và quà lưu niệm của cuộc thi.
Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định cuộc thi hùng biện Tiếng Anh Speak to Lead có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường giao lưu giữa Việt Nam và Mỹ. "Cuộc thi không chỉ là sân chơi giáo dục, góp phần giúp các bạn Việt Nam nâng cao khả năng tiếng Anh mà còn khích lệ, tạo cảm hứng cho các bạn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Thông qua cuộc thi, chúng tôi hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ lạc quan và tin tưởng vào tương lai của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Mỹ", Đại sứ Kritenbrink khẳng định.
Phát Đạt
Ảnh: HOCMAI